Gần nhà tôi có một gia đình đông con. Cách đây nhiều năm, khi ông bà vẫn còn minh mẫn thì họ đã tổ chức cuộc họp gia đình đề chia tài sản. Tài sản của gia đình ông bà chủ yếu là đất đai.
Trong mấy người con của ông bà có một người may mắn được đi học rất đàng hoàng: được học trường tốt, ngành tốt ở Hà Nội. Đây cũng là người duy nhất trong gia đình khi đó chưa lập gia đình.
Thật bất ngờ khi chia phần đất thừa kế cho các con thì ông bà có nói với người con này rằng: Con là người được học hành đàng hoàng hơn các anh chị em trong gia đình, bởi vậy dù bây giờ con có còn khó khăn thì con cũng không nên nhận phần hơn của người khác, con nên tự tạo tài sản và sự nghiệp cho mình. Người con này vui vẻ chấp nhận như vậy.
Đấy là chuyện cách đây nhiều năm của gia đình đó. Do tình làng nghĩa xóm nên trong làng tôi khi nhà nọ nhà kia có chuyện này, chuyện nọ thì mọi người đều biết. Bởi vậy chuyện này nhiều người trong làng cũng biết và đến giờ nhiều người vẫn còn nhớ.
Sau nhiều năm, hiện nay người con này của gia đình đó cũng đã có gia đình, cũng đã xây được sự nghiệp của riêng mình, dù chưa giàu có lắm so với nhiều người trong xã hội nhưng so với anh chị em trong nhà thì bác là người có cuộc sống, sự nghiệp tốt nhất.
Bác được học hành đàng hoàng, trường đào tạo tốt, ngành học tốt nên bác được giáo dục một cách bài bản, cộng với ý chí và bản lĩnh của mình mà bác đã có nội lực cao. Chính nội lực này giúp bác xây dựng được sự nghiệp vững chắc cho bản thân mình.
Giờ đây người dân vùng quê tôi thỉnh thoảng vẫn nói về bác này. Phụ huynh khi khuyên con cái học hành thì thường lấy tấm gương của bác ra làm gương cho con cái mình kiểu: "Các con thấy bác H làng mình chỉ là con nhà nông thôi nhưng do bác chịu khó học hành nên giờ giàu có, thành đạt, phụng sự xã hội. Các con muốn được như thế thì phải học hành nghêm túc, đàng hoàng...".
Quê tôi không phải là vùng công nghiệp, du lịch... kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tuy vậy kinh tế của vùng quê tôi cũng không đến nỗi nào. Đặc biệt là quê tôi có cuộc sống rất văn minh.
Bây giờ thỉnh thoảng mới có người lên tiếng ca ngợi những nơi hiến đất làm đường, mở rộng ngõ hẻm, xóa ngõ hẻm cụt nhưng chuyện này quê tôi đã triển khai từ lâu.
Rồi những việc như: nghiêm cấm lấp ao hồ, nghiêm cấm bẫy chim, khuyến khích trông cây,; thực hiện nếp sống văn minh trong việc tổ chức ma chay, cưới xin... cũng được triển khai từ lâu.
Sở dĩ quê tôi có cuộc sống có thể nói là văn minh so với rất nhiều vùng quê khác như vậy vì có một nguyên nhân quan trọng là do trình độ dân trí cao: Tỷ lệ người có trình độ đại học thuộc dạng cao. Mọi gia đình trong vùng thường hướng cho con cái kiểu "có học có hơn".
Nhờ vậy mà có thể ở đâu không coi trọng việc học hành nhưng ở quê tôi thì chuyện học hành luôn được đặt lên hàng đầu, nhà nhà khuyến khích con cái học hành đàng hoàng. Nhờ dân trí cao nên đời sống ở quê tôi mới được văn minh như vậy.
Đặc biệt, rất nhiều những người con của quê tôi đã và đang kiến tạo tương lai theo cách noi gương bác H - một người con ưu tú của quê hương: Do được học hành đàng hoàng nên không nhận thừa kế mà tự tạo được sự nghiệp, tài sản cho mình.
Câu: "Nếu được học hành đàng hoàng thì không nên nhận thừa kế hoặc nhận một phần nhỏ (nếu gia đình có tài sản), hãy tự tạo tài sản và sự nghiệp cho mình" đã là lẽ sống của nhiều người trẻ trong vùng quê tôi. Những người này đã và đang góp phần làm cho quê hương tôi ngày một giàu có, văn minh.
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.