Chí Tâm xót xa vì không thể có mặt trong ngày tiễn bạn diễn thân thiết. Ông nói: "Lan ơi, vậy là đến phút cuối, tôi cũng chậm chân...". Ông viết bản vọng cổ theo điệu Phụng Hoàng như một cách tiễn biệt cố nghệ sĩ trong tâm tưởng. Không có đàn cổ nhạc, ông mượn tạm cây đàn guitar, trình bày theo lối hát mộc.
"Anh đã biết rồi một ngày ta sẽ phải xa nhau?
Xa những người thương, xa ánh đèn sân khấu,
Bỏ lại những ngày mộng mơ yêu dấu
Tiếng hát ngọt ngào bé Ngọc Huệ ngây thơ
Cái tuổi mười ba, theo mẹ theo cha, thời sân khấu rộn ràng
Nhịp phách song lang thắm lòng vọng cổ
Quen những cung đàn họa theo tiếng em ca...".
Bản ca cổ tái hiện cuộc đời Thanh Kim Huệ, từ thuở 13, 14 tuổi khi bước chân vào nghiệp hát ở đoàn Kim Chung. Chí Tâm nhắc đến giai đoạn cùng cố nghệ sĩ thu âm Lan và Điệp (soạn giả Loan Thảo) - tác phẩm sau này trở thành mốc son trong đời làm nghề của họ. Dần dà, Thanh Kim Huệ tỏa sáng hơn với những bản tân cổ Thành phố buồn, Thà như giọt mưa, Đò tình lỡ chuyến... Tác phẩm khép lại với lời ca về nỗi thương tiếc của người ở lại, trong đó có "quan huyện" Thanh Điền - chồng cố nghệ sĩ: "Đâu có ai muốn Huệ sang sông/ Mà sao Huệ nỡ sang sông một mình".
Quen Thanh Kim Huệ từ lúc vào nghề, Chí Tâm khắc ghi hình bóng bà thuở 13, 14 tuổi, khi mới gia nhập Hãng đĩa Việt Nam. Ông nhớ thời đó còn nghèo, khi thu Lan và Điệp chỉ có hai micro, người này kê miệng vào hát, người kia phải nhích ra. Khán giả nghe băng thường thấy những khoảng lặng vì khi đó, đôi nghệ sĩ phải nhường nhau. Không được đọc kịch bản trước, họ học thuộc lời trong thời gian ngắn. Công nghệ thu âm chưa phát triển, đôi nghệ sĩ không được thu sai vì phải làm lại từ đầu. Họ tập trước đôi ba lần để quen với dàn đờn, sau đó thêm thắt chi tiết giúp bản thu hay hơn.
Nhờ sự mộc mạc, bản thu của Thanh Kim Huệ, Chí Tâm trở thành phiên bản thành công nhất. Những bản dựng sau này thiếu vắng biểu cảm ấp úng, e lệ trong câu "Chiều nay... người ta đi hả" khi cô Lan muốn gọi Điệp là anh mà không dám. Năm 2019, hơn 40 năm sau, Lan và Điệp mới có dịp trùng phùng khi tuồng lần đầu được đưa lên sân khấu do Gia Bảo dàn dựng, đôi nghệ sĩ tiếp tục đóng chính.
Thanh Kim Huệ qua đời chiều 23/12 vì ung thư. Bà sinh năm 1954 tại TP HCM, năm 13 tuổi vào đoàn Kim Chung rồi ký hợp đồng với hãng đĩa Việt Nam, thành công với tuồng Lan và Điệp. Bà tiếp tục thành công với ba bài tân cổ Biển tình, Yêu lầm, Nhớ người yêu cùng nghệ sĩ Minh Vương.
Giọng ca thanh thoát, giàu cảm xúc của bà ghi dấu ấn qua các tác phẩm như Chợ Mới (tác giả: Trọng Nguyễn), Rước tình về với quê hương (tân nhạc: Hoàng Thi Thơ, cổ nhạc: Loan Thảo), Đám cưới trên đường quê (nhạc: Hoàng Thi Thơ, lời vọng cổ: Yên Lang)... Bà kết hợp hài hòa, ăn ý với nhiều nam nghệ sĩ như: Minh Cảnh, Minh Vương, Chí Tâm, Tấn Tài, Trọng Hữu, Thanh Tuấn...
Chí Tâm sinh năm 1952, nổi tiếng với vai Điệp trong Chuyện tình Lan và Điệp. Ông còn được biết đến qua các tuồng: Đường gươm Nguyên Bá, Quán gấm đầu làng, Lương Sơn Bá, Tây Thi... Ngoài ca hát, ông còn sáng tác vọng cổ, tân nhạc và sử dụng thành thục các nhạc cụ cổ truyền.
Tam Kỳ