"Chúng tôi không có ý tưởng cho Cinematic mà chỉ tò mò rằng mình phải làm gì để tạo nên một tính năng làm phim vượt thời gian", nhà thiết kế Johnnie Manzari của Apple tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với TechCrunch hôm 23/9. "Từ suy nghĩ ban đầu, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu, nói chuyện với các đồng nghiệp nhiều hơn. Họ là những người giúp chúng tôi hiện thực hóa ý tưởng đó".
Theo Manzari, đội thiết kế của Apple đã bắt đầu xây dựng tính năng mới "bằng sự tôn trọng sâu sắc lịch sử làm phim trong quá khứ". Nhóm cũng thường xuyên tự đặt ra các câu hỏi cốt lõi, chẳng hạn nguyên tắc nào để tạo nên những thước phim vượt thời gian, hay tính năng nào tồn tại xuyên suốt lịch sử ngành phim ảnh...
Mặc dù tính năng quay video điện ảnh thường gắn liền với sự chuyên nghiệp và được thực hiện bởi các chuyên gia trình độ cao, Manzari nói rằng đội ngũ nghiên cứu cố gắng làm cho nó trở nên đơn giản và dễ tiếp cận hơn, kể cả người dùng nghiệp dư. Nhóm sau đó đã nghĩ đến việc tận dụng phần cứng mạnh mẽ của iPhone.
"Chúng tôi thấy rằng đây là thứ mà Apple giải quyết tốt nhất", Manzari nói. "Cinematic giúp việc quay phim chuyên nghiệp từ khó sử dụng thành tự động và đơn giản hơn".
Cinematic - tính năng có thể thay đổi thói quen làm phim trên di động
Trước đây, việc lấy nét nhanh chủ thể khi quay video thường chỉ có trên máy chuyên nghiệp và gần như không xuất hiện trên smartphone. Thực tế, các đoàn làm phim cũng thường phải bố trí một người chỉ làm nhiệm vụ vận hành vòng lấy nét của máy quay phim, gọi là trợ lý camera thứ nhất. Tuy nhiên, Cinematic giúp điều đó trở nên dễ dàng ngay trên thiết bị di động.
Lấy nét chủ thể thường được sử dụng trong các cảnh quay cần chuyển đổi đối tượng nhưng không phải chuyển cảnh. Với tính năng Cinematic, Apple đã cố gắng làm cho tính năng này trở nên dễ dàng nhất có thể, bằng cách cho phép điện thoại tự động thay đổi tiêu điểm của hình ảnh dựa trên độ sâu khung hình và chuyển đổi tiêu điểm một cách thông minh từ chủ thể này sang chủ thể khác. Người dùng chỉ cần xác định tiền cảnh và hậu cảnh, camera có thể tự động thay đổi hiệu ứng độ sâu trường ảnh. Chẳng hạn, khi chủ thể của tiền cảnh là con người nhìn ra xa máy ảnh, camera sẽ lập tức lấy nét chủ thể là hậu cảnh.
Bên cạnh đó, chế độ Cinematic cũng có thể theo dõi đối tượng đang chuyển động trong khung hình và giữ cho camera chỉ tập trung vào đó, hoặc lấy nét khi một đối tượng chuẩn bị bước vào khung hình. Tính năng cũng như hỗ trợ lấy nét bằng tay và hậu kỳ - điều mà rất hiếm smartphone nào làm được.
Cinematic có cách hoạt động khá giống Chế độ chụp ảnh chân dung xóa phông (Portrait Mode). Nếu Portrait Mode tự động đo khoảng cách chủ thể, tạo bản đồ đo chiều sâu hình ảnh, Cinematic cũng sử dụng các ống kính camera góc rộng và camera siêu rộng để tạo bản đồ đo độ sâu, sau đó dùng AI để tối ưu.
Tuy nhiên, để Cinematic hoạt động hiệu quả nhất, chip Apple A15 chính là "bộ não" giúp xử lý nhanh các thông tin. Bộ xử lý đồ họa trên chip với hiệu suất xử lý tốt hơn 30 - 50% tùy phiên bản cũng hỗ trợ chế độ quay phim mới tốt hơn.
Trong đoạn video Apple đăng tải về chế độ Cinematic của Apple, The Next Web đánh giá tính năng mới "dường như chưa hoàn hảo, nhưng tuyệt vời". Trang công nghệ này cũng dự đoán nó sẽ rất hữu ích đối với không chỉ các nhà quay phim chuyên nghiệp mà còn cả nghiệp dư hoặc những ai muốn khám phá cách thức quay phim mới mẻ trên di động.
Bảo Lâm tổng hợp