Ruốc bông hay chà bông, được chế biến từ thịt gà, tôm... thịt lợn là nguyên liệu phổ biến nhất. Ruốc bông có thể ăn kèm với cơm, bánh mì, xôi, giữ được từ 3 đến 4 tháng nếu chế biến và bảo quản đúng cách.
Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Mộc Lan cho biết để ruốc thơm ngon thì việc đầu tiên là chọn được nguyên liệu sạch, tươi tránh hư hỏng, mất vệ sinh. Cụ thể, thịt lợn sạch thường có lớp bì và mỡ dày, miếng thịt cứng, không có đàn hồi. Khi cắt thịt theo thớ dọc và quan sát thấy miếng thịt có những đốm trắng to bằng đầu kim, hoặc thớ thịt có hình sợi hay hình bầu dục to là bị nhiễm giun sán.
Thịt gà trông phải tươi, không có mùi hôi hoặc mùi kháng sinh, trên da không có vết bầm tím hoặc tụ máu. Riêng tôm khi mua cần quan sát phần đầu. Nếu đầu tôm chuyển màu đen có khả năng nhiễm kim loại, các chất độc hại, ký sinh trùng. Nên loại bỏ đường chỉ tôm để món ăn được sạch và yên tâm hơn, hấp hay luộc chín để hạn chế nhiễm giun sán và ký sinh trùng gây ngộ độc.
Sau khi chế biến, giã dập, sấy khô, bạn nên để ruốc phơi bên ngoài cho tơi xốp rồi cho vào túi nilông cột chặt miệng bao hoặc hộp đậy nắp kín để bảo quản lâu ngày. Hộp thủy tinh rửa sạch, lau khô, sau đó cho ruốc vào bên trong đậy kín nắp. Ruốc để ở bên ngoài nhiệt độ thường giữ được khoảng 30 ngày, trong tủ lạnh khoảng từ 3 đến 4 tháng.
Tránh để nước ngấm vào khiến ruốc mốc và hỏng. Khi lấy ruốc ăn không nên cho đầu đũa, thìa hay tay bẩn vào bên trong.
Nếu không tự chế biến, bạn nên chọn mua ruốc ở cơ sở uy tín, đảm bảo. Ruốc bông sạch thường sợi nhỏ, độ tơi vừa phải, quan sát kỹ sẽ không có bất kỳ tạp chất. Ruốc bẩn thì bông tơi hơn, đôi khi có lẫn tạp chất.
Ruốc bông sạch có màu vàng tự nhiên của thịt hoặc màu trắng giống thịt luộc. Trong khi đó, ruốc bông bẩn có màu sắc bắt mắt, vàng óng, hấp dẫn. Mùi vị của ruốc thơm, béo đặc trưng của thịt lợn. Ngược lại, ruốc bông bẩn có vị ngọt lợ của hương liệu hay bột ngọt, không có mùi vị đặc trưng của ruốc bông thông thường.
Thùy An