Ngày 10/11, bác sĩ Nguyễn Hoàng Luông, Phó Khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân, cho biết bệnh nhân vào cấp cứu vì mệt lả và xanh xao, huyết áp cao, đau hông lưng hai bên lan xuống vùng bụng. Chỉ số HCT (đo tỷ lệ thể tích hồng cầu) chỉ còn 17%, giảm ba lần bình thường, cho thấy người bệnh đang thiếu máu trầm trọng.
Bệnh nhân đau âm ỉ vùng hông lưng từ 5 năm trước, đi khám phát hiện bướu tuyến thượng thận cả hai bên. Tuy nhiên, ông chỉ muốn uống thuốc, trì hoãn phẫu thuật vì sợ các nguy cơ và phải dùng thuốc nội tiết suốt đời.
CT Scan ghi nhận hai khối bướu tuyến thượng thận kích thước rất lớn, khoảng 15 cm và viêm dính xung quanh. Các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu nhận định đây là trường hợp hiếm gặp, ngay cả trong y văn thế giới cũng chưa ghi nhận nhiều ca tương tự.
Bướu tuyến thượng thận có thể hình thành ở một hoặc cả hai tuyến thượng thận. Cơ quan này sản xuất ra các hormone góp phần điều hòa cơ thể, tham gia vào quá trình chuyển hóa, cân bằng nước - điện giải, chống stress... Trong đó, ung thư tuyến thượng thận có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường ảnh hưởng nhất ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn từ 40 đến 50 tuổi.
"Cắt bỏ tuyến thượng thận hai bên là một phẫu thuật hiếm, nhiều khó khăn, thách thức. Bướu của bệnh nhân này kích thước lớn, lại đang xuất huyết, viêm dính phức tạp, thiếu máu nặng nên càng gian nan", bác sĩ nói.
Kíp phẫu thuật trải qua hơn bốn giờ căng thẳng bởi khối bướu dính vào tĩnh mạch chủ và các cơ quan lân cận, đồng thời chảy máu nhiều khoảng 2.000 ml. Ngoài việc kiểm soát chảy máu do u xuất huyết, bác sĩ phẫu thuật phải phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ gây mê hồi sức và nội tiết để kiểm soát đường huyết, điện giải... cả trước, trong và sau phẫu thuật. Điều này nhằm giữ an toàn tính mạng vì khi cắt tuyến thượng thận, nếu người bệnh rơi vào tình huống suy tuyến thượng thận cấp, đòi hỏi phải được bù đắp nội tiết kịp thời. Bệnh nhân này được bù các hormone tuyến thượng thận qua đường tĩnh mạch để đảm bảo phẫu thuật an toàn.
Sau mổ hai ngày, các chỉ số của người bệnh ổn, có thể vận động nhẹ nhàng tại giường.
Theo bác sĩ Luông, đa số người bệnh có bướu tuyến thượng thận một bên, sau phẫu thuật cắt bướu vẫn còn tuyến thượng thận thứ hai để thực hiện sản sinh nội tiết. Bướu ở cả hai tuyến thượng thận như bệnh nhân này rất hiếm gặp, ngay cả tại những trung tâm niệu khoa lớn trên thế giới.
Để đảm bảo không bị ảnh hưởng chức năng nội tiết, sau khi cắt bỏ cả hai bên tuyến thượng thận, bệnh nhân cần được tiếp tục theo dõi và điều trị bằng liệu pháp nội tiết thay thế. Do đó, người bệnh cần tái khám nội tiết đúng hẹn (sau phẫu thuật) để được theo dõi và căn chỉnh liều phù hợp nhất.
Ung thư tuyến thượng thận khi được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có cơ hội được chữa khỏi. Nếu ung thư đã di căn, việc chữa trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, chủ yếu là điều trị nhằm trì hoãn sự tiến triển của bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm khi có những triệu chứng bất thường như đau hông lưng, các rối loạn nội tiết, phù, tăng huyết áp không rõ nguyên nhân...
Lê Phương