Ngày 15/9, bác sĩ Lâm Trung Hiếu, phụ trách Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Viện Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 175, cho biết bệnh nhân 65 tuổi, ngụ Bình Phước, nhập viện trong tình trạng suy kiệt nặng nề, nằm trên băng ca vào làm thủ tục cấp cứu.
6 tháng trước, bà được chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Lo ngại tác dụng phụ của hóa chất, gia đình đưa bà về nhà, từ chối phác đồ điều trị của Bệnh viện Quân y 175. Theo lời kể gia đình, một thầy thuốc nam tại quê cam kết "chữa khỏi bệnh cho bà, không tác dụng phụ như hóa trị".
Trải qua 40 ngày uống thuốc nam, kết hợp thực phẩm chức năng có thành phần giống bột sữa (dạng viên) của người thợ làm tóc gần nhà, người phụ nữ không còn nước tiểu, chân phù, phải quay trở lại viện.
Các bác sĩ lọc máu gần 10 ngày với nỗ lực cứu chức năng thận, song không thành công, không có nước tiểu trở lại. Bệnh nhân phải chuyển sang lọc máu chu kỳ mỗi tuần ba lần.
Lúc này, người nhà bày tỏ mong muốn ghép thận, sẵn sàng hóa trị nếu bác sĩ chỉ định. Tuy nhiên, cơ hội không còn, tình trạng bệnh nhân không cho phép ghép thận hay tiếp tục điều trị ung thư, chỉ chạy thận nhân tạo cầm cự qua ngày.
"Người con đến gặp và mong muốn bác sĩ không chia sẻ tình trạng bệnh để mẹ của anh sẽ có những ngày cuối đời nhẹ nhàng hơn", bác sĩ nói.
Theo bác sĩ Hiếu, đơn vị này tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân không theo phác đồ điều trị của bác sĩ hoặc bỏ ngang giữa chừng. Một số người bệnh rời viện vì không muốn đối diện sự thật bị ung thư, lo lắng các tác dụng phụ, "sợ đụng dao kéo sẽ khiến khối u lan rộng".
Dù được bác sĩ giải thích về cơ hội khỏi bệnh, song nhiều người vẫn chọn tin tưởng vào những phương pháp thiếu cơ sở khoa học với lời đồn thổi "giúp nhiều người từng hết hẳn bệnh mà không tác dụng phụ".
"Sau một thời gian quay lại thì bệnh đã quá nặng, chỉ chăm sóc giảm nhẹ, không thể làm được gì hơn. Không ít trong số đó là bệnh nhân có điều kiện kinh tế, có trình độ", bác sĩ nói và dẫn trường hợp người phụ nữ 44 tuổi, quê Bình Dương, hiện nằm li bì, không thể trả lời các câu hỏi của bác sĩ.
Bà được chẩn đoán ung thư trực tràng cách đây hai năm, ở giai đoạn sớm, khả năng khỏi bệnh cao, phục hồi tốt. Do không muốn đụng dao kéo, bà trở về nhà chọn cách ăn uống thực dưỡng với gạo lứt, nhiều loại đậu... để "bỏ đói tế bào ung thư". Sau đó, bệnh nhân dần suy kiệt, tái nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ. Các bác sĩ dự kiến trả bệnh nhân về nhà sau đợt điều trị cấp tính này do hết cách cứu chữa.
Một trường hợp khác từng là giảng viên đại học, hiện ăn uống, nói chuyện khó nhọc với khối lở loét chiếm trọn vùng cổ, được y bác sĩ giảm đau, thay băng hàng ngày. Bà phát hiện u tuyến nước bọt với kích thước rất nhỏ, giai đoạn rất sớm, khả năng phẫu thuật khỏi gần như chắc chắn. Tuy nhiên, bà chọn tu tập theo môn khí công, kết quả bệnh ngày càng trở nặng.
Thiếu tướng, phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết điều trị ung thư ngày càng tiến bộ với các phương thức phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, điều trị nội tiết... Tùy tình trạng, giai đoạn bệnh, tính chất của khối u, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp từng người, phối hợp nhiều biện pháp để mang lại hiệu quả tốt nhất. Một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp y học cổ truyền để hỗ trợ tốt cho người bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần tin tưởng và thực hiện theo đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa, chữa trị sớm nhất có thể, thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất giúp cơ thể chống chọi bệnh tật.
Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh ung thư có thể trị khỏi bằng đông y, thực phẩm chức năng hoặc các phương pháp dân gian, nhịn ăn, thực dưỡng, tu tập...
Việc tự ý điều trị, đặt niềm tin vào những lời quảng cáo, truyền miệng có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc, tốn kém kinh tế, khiến người bệnh bỏ lỡ "giai đoạn vàng", mất cơ hội chiến thắng bệnh tật.
Lê Phương