Tin dữ mắc ung thư đến với nam quân nhân công tác ở Lữ đoàn 293, Bộ Tư lệnh Công binh đóng tại Cam Ranh, Khánh Hòa, khi con trai anh vừa đậu đại học, sắp ra Hà Nội làm thủ tục nhập học. Trước đó, anh bị viêm gan B đã lâu, chưa xuất hiện triệu chứng bất thường ở gan. Tình cờ anh đi khám vì chứng buồn nôn, ăn không ngon của bệnh dạ dày, bác sĩ bệnh viện địa phương phát hiện u gan, chuyển vào Bệnh viện Quân y 175 ở TP HCM.
"Cứ tưởng được ưu ái cho vào TP HCM khám bệnh, đến khi nhận chẩn đoán ung thư, tôi mới choáng váng, hoang mang", anh Hợi nhớ lại. Ban đầu khi bước vào khu điều trị ung bướu, thấy nhiều người hóa trị rụng hết tóc, anh còn tưởng mình đi nhầm nơi. Những đêm đầu nhận "án tử", anh suy sụp, nghĩ mình không thể qua khỏi.
Khi các bác sĩ lên kế hoạch phẫu thuật, một số người thân ở quê "bàn ra", khuyên anh về nhà "muốn ăn gì thì ăn, muốn làm gì thì làm nốt". Bản thân anh cũng lăn tăn vì từng nghe nhiều thông tin rằng bệnh nhân ung thư thể nào cũng chết, càng đụng dao kéo khối u càng lan tràn nhanh, tử vong sớm hơn, lại phải chịu đau đớn phẫu thuật. Một số người giới thiệu các bài thuốc nam, phương thuốc quý, cho biết từng chữa khỏi nhiều người. Thậm chí có người bán bảo anh không cần trả tiền trước, cứ dùng thử nếu thấy đỡ mới trả tiền.
Trong lúc ngổn ngang, rối bời giữa các lựa chọn, anh dự định "về dẫn con đi nhập học ở Hà Nội xong rồi tính gì thì tính". Anh gặp bác sĩ Lâm Trung Hiếu, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân của Bệnh viện 175, ngỏ ý xin về. Bác sĩ kiên quyết không đồng ý, nhấn mạnh rằng anh là một trong những người may mắn hiếm hoi vì bệnh giai đoạn rất sớm, còn cơ hội phẫu thuật, trong khi rất nhiều người phát hiện bệnh giai đoạn muộn, "muốn mổ cũng không được". "Bác sĩ nói bệnh của tôi như một đốm lửa cháy rừng, khi lửa còn nhỏ lo dập ngay thì không sao, để lâu sẽ cháy lớn không dập được", anh Hợi kể.
Bác sĩ khuyên anh để con vào TP HCM thăm bố rồi tự đi nhập học, bởi "nếu chần chừ chậm trễ sẽ ảnh hưởng kết quả điều trị, anh sẽ không còn cơ hội đưa con đi học những lần sau". Vừa phân tích, động viên, bác sĩ vừa cứng rắn yêu cầu anh ở lại mổ, "nếu không hợp tác sẽ báo về đơn vị".
"Bác sĩ giúp tôi hiểu hơn về bệnh, vượt qua những cảm xúc tiêu cực ban đầu khi đối diện với bệnh tật, lấy lại niềm tin, năng lượng và quyết tâm theo đuổi điều trị", anh nói và thêm rằng việc được bác sĩ định hướng, vực dậy tinh thần rất quan trọng vì ai mới phát hiện bệnh cũng lo sợ, chán chường. Thời gian chuẩn bị mổ, anh nghe tin một bác sĩ gây mê qua đời vì ung thư gan, phần nhiều do suy sụp tinh thần. Anh hoang mang với ý nghĩ "người ta là bác sĩ mà cũng chết", song cố gắng tìm cách thoát ra thật nhanh, cố gắng điều trị bệnh để mau khỏi, sống lâu bên cạnh vợ con, gia đình.
Ca mổ do bác sĩ Nguyễn Hồng Tuấn, nguyên chủ nhiệm khoa Ngoại bụng, nay đã về hưu, chủ trì. Nhờ phát hiện bệnh sớm, mổ sớm, anh không phải điều trị gì thêm, chỉ tái khám định kỳ, tiếp tục uống thuốc viêm gan B.
Vượt qua bệnh tật, anh trở lại công việc thường ngày, biết yêu thương sức khỏe của bản thân hơn, cố gắng rèn luyện thể thao, chú trọng ăn uống sạch, bỏ thuốc lá và rượu bia. Anh cảm thấy may mắn vì trong thời gian bệnh, luôn được vợ con động viên, đồng nghiệp và đơn vị tạo điều kiện tối đa để chạy chữa. Biến cố sinh tử đã giúp anh biết cách buông bỏ, sống tĩnh tâm, "không tham sân si để khỏi phải mất ăn, mất ngủ".
Bác sĩ Lâm Trung Hiếu, hiện phụ trách Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, cho biết nhiều bệnh nhân ung thư vẫn còn quan niệm "đụng dao kéo" sẽ khiến khối u lan rộng, từ đó bỏ dở cơ hội chiến thắng bệnh. Dù được bác sĩ giải thích về cơ hội khỏi bệnh, một số người vẫn rời viện, chọn tin tưởng vào những phương pháp thiếu cơ sở khoa học với lời đồn thổi "giúp nhiều người từng hết hẳn bệnh". Không ít trường hợp sau đó quay lại viện khi bệnh đã quá nặng, chỉ chăm sóc giảm nhẹ cuối đời, không thể làm được gì hơn.
Bác sĩ Hiếu khuyến cáo bệnh nhân tầm soát sức khỏe định kỳ, đi khám khi có các dấu hiệu bất thường để phát hiện sớm bệnh, có nhiều cơ hội điều trị khỏi như anh Hợi. Khi chẳng may mắc bệnh, cần tin tưởng, thực hiện theo đúng phác đồ của bác sĩ, chữa trị sớm nhất có thể, thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất giúp cơ thể chống chọi bệnh tật.
Ngày nay, việc điều trị ung thư ngày càng tiến bộ, giúp nhiều người chiến thắng bệnh tật, sống khỏe hàng chục năm. Không nên từ bỏ cơ hội điều trị, làm lỡ mất "thời gian vàng". Không nghe theo các phương pháp truyền miệng, bởi chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh ung thư có thể trị khỏi bằng đông y, thực phẩm chức năng hoặc các phương pháp dân gian, nhịn ăn, thực dưỡng, tu tập...
"Nếu không nghe lời bác sĩ, trốn mổ về nhà thì giờ tôi đã không thể sống khỏe, chứng kiến con trai tốt nghiệp ra trường rồi ổn định công việc như bây giờ", anh Hợi nói. Anh mong muốn mọi người sống điều độ, từ bỏ bia rượu, thuốc lá để không bị bệnh. Nếu lỡ bệnh thì nên tin tưởng "lời nói vàng ngọc, lời nói cứu mạng sống của bác sĩ - những người được học hành đàng hoàng, nghiên cứu chuyên môn về bệnh" với những phác đồ điều trị tiên tiến của cả thế giới, thay vì giao phó tính mạng cho thầy lang, các phương pháp truyền miệng...
Lê Phương