Giá dầu giảm mạnh và các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây đã giáng đòn vào kinh tế Nga. Ngoài ra, còn có một mặt hàng năng lượng xuất khẩu quan trọng khác của Moscow cũng đang sụt giá, đó là khí đốt tự nhiên.
Khí đốt chiếm 14% doanh thu xuất khẩu của Nga trong năm 2013, trong khi dầu thô và sản phẩm từ dầu chiếm 54%. Với châu Âu và Ukraine, khí đốt của Nga quan trọng hơn so với dầu thô.
Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của Nga với thị trường khí đốt châu Âu đang suy yếu. Dù không giảm mạnh như dầu, giá khí đốt của Moscow giảm ít nhất một phần tư tại thị trường châu Âu, khiến doanh thu suy sút. Về dài hạn, Nga sẽ khó có thể tránh khỏi thiệt hại thêm về giá và thị phần năng lượng ở châu Âu.
Hóa giải công cụ chính trị
Theo WSJ, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình này xuất phát từ chính Nga. Liên Xô coi khí đốt là một loại hàng hóa thương mại và việc giao hàng không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa phía đông và phía tây. Nhưng đến thời Tổng thống Vladimir Putin, xuất khẩu khí đốt trở thành một công cụ chính trị giúp Moscow khẳng định tầm ảnh hưởng ở Trung, Đông Âu và xa hơn nữa.
Do kết cấu đường ống, một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có rất ít lựa chọn ngoài mua khí đốt của Nga. Tranh chấp giữa Moscow và Kiev từng khiến nguồn cung đến Ukraine và các nước EU ở phía tây đình trệ vào năm 2006 và 2009.
Điều đó khiến EU tìm cách "phi chính trị hóa" khí đốt, bằng cách tách khâu vận chuyển khỏi khâu sản xuất, Kristine Berzina thuộc công ty nghiên cứu German Marshall Fund ở Brussels nhận định. Điều đó có nghĩa là các công ty như Gazprom, doanh nghiệp khí đốt nhà nước của Nga không được tham gia vào cả hai khâu, ít nhất là tại các nước EU.
Ngoài ra, những xu hướng mới đã làm suy yếu vị trí thống trị về khí đốt của Nga và giảm nhu cầu của châu Âu, ví dụ như bùng nổ trong sản lượng dầu đá phiến của Mỹ và việc khai thác các loại khí đốt khác. Đức đã chọn than đá, thay thế cho khí đốt, để làm nhiên liệu cho các cơ sở phát điện khi thiếu nguồn điện từ năng lượng mặt trời và gió.
Chuyển thị trường
Nhiều hợp đồng xuất khẩu của Gazprom có liên quan đến giá dầu, vì vậy, sự sụt giảm giá dầu nghiêm trọng hiện nay đã tác động đến giá khí đốt. Gazprom hôm 29/1 thông báo lợi nhuận ròng trong quý thứ ba năm 2014 của doanh nghiệp này giảm 62% so với cùng kỳ năm 2013. Nhà phân tích Alexander Kornilov từ Alfa Bank nhận định giá khí đốt bình quân năm nay của Gazprom có thể giảm từ mức hơn 352 USD/một nghìn mét khối trong ba quý đầu năm 2014 xuống còn khoảng 200 – 250 USD.
EU đã tạo ra liên kết mới giữa các quốc gia phụ thuộc vào khí đốt của Nga để thiết lập hệ thống cung cấp khí đốt độc lập hơn. Nếu nguồn cung cấp từ phía đông bị gián đoạn, các nước bị ảnh hưởng có thể nhập khẩu khí đốt từ các nơi khác. Đến tháng 12/2014, Lithuania, nước từng phụ thuộc 100% vào khí đốt của Nga, đã nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Na Uy.
Các nước EU mua khí đốt của Nga còn đòi hỏi thêm nhiều điều kiện có lợi cho mình. Gazprom hôm 28/1 tuyên bố thay đổi thỏa thuận với công ty khí đốt OMV của Áo để cung cấp thêm điều khoản có lợi cho bên mua.
Ukraine cũng đang thực hiện những bước thay đổi. Andriy Kobolyev, giám đốc điều hành Naftogaz, công ty dầu khí nhà nước Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tuần trước ở Davos rằng Nga năm 2014 chiếm khoảng 70% lượng nhập khẩu khí đốt của Ukraine, so với mức 95% trong năm 2013.
"Trong năm 2015, chúng tôi dự định rằng ít nhất 60% lượng khí đốt tự nhiên sẽ đến từ EU", ông cho biết. Ukraine có thể nhập khẩu từ EU nhờ các dự án cho phép khí đốt chảy từ phía tây sang đông, đặc biệt là thông qua Slovakia.
Theo Kobolyev, Gazprom "nên chấp nhận một thực tế rằng thị trường đã thay đổi và nỗ lực giữ vị trí độc quyền chắc chắn sẽ chỉ dẫn đến những hậu quả tiêu cực, làm giảm khối lượng tiêu thụ và khiến đối tác chuyển đổi sang một nhà cung cấp khác", ông nói.
Đúng đắn hay liều lĩnh
Chiến lược dài hạn của Gazprom cũng gặp phải vật cản. Nga hồi tháng 12/2014 hủy bỏ kế hoạch dự án South Stream (Dòng chảy phương Nam) đi qua Biển Đen đến Bulgaria. Andrew Roth, cây bút của New York Times nhận định dự án chết yểu này là chiến thắng của EU khi đã gây được áp lực với Moscow. EU cho rằng dự án này sẽ vi phạm luật về năng lượng và cạnh tranh, đồng thời là một nỗ lực của Kremlin để khẳng định vị trí là nhà cung cấp khí đốt thống trị châu Âu và bỏ qua vai trò chuyển tiếp của Ukraine.
Gazprom hồi giữa tháng một công bố kế hoạch xây dựng đường ống mới, qua Thổ Nhĩ Kỳ và bỏ qua Ukraine. Đường ống này sẽ cung cấp 63 tỷ mét khối khí một năm tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp. EU lên án động thái này, trong khi các bên hưởng lợi từ dự án như Ankara và Athens tán dương bước đi của Moscow.
Theo CSMonitor, một số nhà bình luận cho rằng động thái của ông Putin là nhanh chân và lỗi lạc, làm châu Âu choáng váng và tăng cường vị thế của Nga với EU. Cây bút Lawrence Williams của Mineweb cho rằng đây có thể là lời cảnh báo đến EU để "liên minh ngừng gia tăng lệnh trừng phạt kinh tế, hoặc thậm chí dỡ bỏ chúng".
Tuy nhiên, Mikhail Krutikhin, một đối tác của công ty tư vấn năng lượng hàng đầu RusEnergy tại Moscow, cho rằng chính sách của Kremlin là phản ứng không thích hợp trước các lệnh trừng phạt liên tiếp của EU.
"Điện Kremlin dường như đang cố gắng tống tiền châu Âu, nhưng Moscow có nguy cơ mất thị trường lớn nhất khi làm như vậy. Chúng ta đang nói về hơn 60 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm mà Nga không có thị trường đủ lớn nào khác để thay thế. Trong khi đó, châu Âu đang nỗ lực độc lập về năng lượng. Đối với tôi, bước đi này của Nga không phải là quyết định đúng đắn mà là sự liều lĩnh tuyệt vọng".
Gazprom đang chuyển hướng trọng tâm từ châu Âu sang châu Á, nơi Moscow có kế hoạch xây dựng đường ống mới tới Trung Quốc và đạt được một số thỏa thuận với Ấn Độ. Nước này cũng sẽ phải đầu tư một khoản tiền lớn để phát triển các giếng khí đốt mới, bà Berzina nhận định. "Những việc này sẽ đòi hỏi một số tiền lớn, mà tiền lại là thứ đang ồ ạt đội nón ra đi khỏi Nga".
Multimedia: Đối đầu Nga - phương Tây năm 2014
Phương Vũ