Tổng thống Vladimir Putin hôm 1/12 thông báo ông sẽ hủy bỏ dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt South Stream (Dòng chảy phương Nam) của Nga, một dự án lớn nhằm gia tăng ảnh hưởng của Moscow ở đông nam châu Âu, nhưng nay trở thành nạn nhân của mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nga và phương Tây.
Dự án South Stream dự kiến sẽ vận chuyển khí đốt từ Nga qua Biển Đen đến Bulgaria, rồi tiếp tục qua các nước Serbia, Hungary, Slovenia, và Áo. Tập đoàn dầu khí của Nga, Gazprom bắt đầu xây dựng các cơ sở trên đất liền cho các đường ống từ năm 2012. Ông Putin tuyên bố thay vì thực hiện dự án South Stream, Nga sẵn sàng xây một đường ống mới để phục vụ nhu cầu của các khách hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
40% khí đốt từ Nga sang châu Âu vẫn được vận chuyển qua Ukraine, đây là đòn bẩy chính trị duy nhất của Kiev đối với người láng giềng hùng mạnh. Mục đích chính của đường ống South Stream là vận chuyển khí đốt thẳng từ Nga đến phương Tây mà không thông qua Ukraine. Washington và Brussels cho rằng đây là một nỗ lực khá rõ ràng của Kremlin để khẳng định vị trí là nhà cung cấp khí đốt thống trị châu Âu và bỏ qua vai trò chuyển tiếp của Ukraine, khi tranh chấp về giá cả giữa Kiev và Moscow từng làm nguồn cung cấp khí đốt gián đoạn hai lần trong những năm gần đây.
Bulgaria, hồi tháng 6 đóng băng việc xây dựng đường ống dẫn dưới áp lực của Ủy ban châu Âu, bên cho rằng đường ống có thể vi phạm luật về năng lượng và cạnh tranh.
"Thất bại của Nga"
Andrew Roth, cây bút của New York Times nhận xét đây là một thất bại ngoại giao hiếm hoi của ông Putin và là chiến thắng đối với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Jonathan Stern, giám đốc nghiên cứu khí đốt tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết việc hủy bỏ đường ống là quyết định không hề dễ chịu cho Tổng thống Nga vì "ông Putin chính là người khởi xướng dự án". Ông Stern cũng ước tính tổng dự án này sẽ tiêu tốn khoảng 50 tỷ USD. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nga Gazprom đã đầu tư vài tỷ đô la vào một lượng lớn các ống thép trong khi đội ngũ kỹ sư đã sẵn sàng bắt đầu xây dựng.
Carlos Pascual, cựu chuyên gia năng lượng hàng đầu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết việc hủy bỏ dự án không hề gây hại đến châu Âu.
Nga vẫn có những đường ống khác để cung cấp khí đốt cho châu Âu như Nord Stream và Yamal. Đến hết năm 2014, Nga sẽ cung cấp 155 tỷ mét khối khí đốt cho châu Âu, một nửa số đó sẽ chảy qua Ukraine, và phần còn lại thông qua Nord Stream, Yamal và các đường ống nhỏ hơn khác.
"Có ý kiến cho rằng quyết định này cuối cùng sẽ tiết kiệm cho người tiêu dùng châu Âu, nhờ loại bỏ một đường ống dẫn dầu tốn kém mà không cần thiết, đồng thời cũng không cung cấp thêm năng lượng cho châu Âu", Reuters dẫn lời ông Pascual nói.
Theo Pascual, động thái của Gazprom cho thấy tác dụng của biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga vì khủng hoảng Ukraine. "Vào thời điểm trước đó, khi nguồn vốn còn dồi dào, có lẽ Nga sẽ không đưa ra quyết định như vậy", ông nói.
Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu Kaisa Itkonen cho rằng Brussels sẽ phản ứng với việc hủy South Stream bằng cách tăng các mối nối của các đường ống sẵn có trong vùng đông nam châu Âu. Về lý thuyết, điều này sẽ làm giảm bớt sự phụ thuộc của phương Tây vào khí đốt Nga, bằng cách đẩy mạnh phát triển của một thị trường EU nội bộ. Đây là tham vọng mà khối này mong muốn đạt được.
Rủi ro cho châu Âu
Một số nhà phân tích cho rằng, tuy EU và Mỹ đã phản đối việc xây dựng đường ống South Stream, quyết định hủy bỏ dự án này vẫn có thể là một đòn giáng vào các nước châu Âu
"Việc hủy bỏ South Stream sẽ có ảnh hưởng xấu đến nguồn cung cấp khí đốt bổ sung của châu Âu. Trong khi đó, theo các chuyên gia trong ngành, nguồn tiêu thụ khí đốt sạch tại các nước này sẽ tăng đều trong những năm tới", Vladimir Andrianov, trưởng bộ phận nghiên cứu và phân tích chiến lược tại Vneshekonombank, Nga cho biết.
"Châu Âu cần khí đốt của Nga và không thể xoay xở mà không có nó", Giám đốc điều hành Gerhard Roiss của OMV, công ty dầu khí quốc tế có trụ sở tại Áo, trả lời một cuộc phỏng vấn.
"Khi kế hoạch xây dựng South Stream vẫn còn nằm trên chương trình nghị sự, Nga được xem là nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu. Ukraine đã từ chối các điều kiện tuyệt vời mà Moscow đề xuất với Kiev để cùng nâng cấp hệ thống đường ống dẫn khí qua Ukraine", ông Andrianov nói.
Nhà phân tích cho rằng, khi South Stream bị hủy bỏ, Kiev có thể có lợi thế để "thay đổi điều kiện chuyển tiếp khí đốt qua nước này. Rủi ro trong việc chuyển khí đốt cho EU có thể tăng cao".
"Dự án South Stream hứa hẹn đem lại lợi ích cho tất cả các nước châu Âu. Khi buộc Nga phải hủy dự án, Brussels đã từ trừng phạt bản thân", Andrianov nhận xét.
Bulgaria, nước nhiều lần ngăn chặn việc xây dựng đường ống, phải hứng chịu tổn thất là nước này sẽ không nhận được 400 triệu Euro (492 triệu USD) một năm từ việc chuyển tiếp khí đốt. "Quyết định này thật sự rất tồi tệ cho Bulgaria", nghị sĩ Bulgaria Borislav Borisov nói với hãng Itar-Tass.
Theo Leonid Bershidsky, cây bút của Bloomberg, việc thiết lập đường ống thay thế đến Thổ Nhĩ Kỳ là bước đi của ông Putin nhằm chứng minh cho phương Tây thấy ông không cần họ, Nga vẫn có thể giao dịch với các nước khác. Công bố một thỏa thuận với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Nga muốn cho châu Âu và Mỹ thấy rằng nỗ lực cô lập Nga của họ là vô ích.
Theo Reuters, phương án đưa South Stream chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, nước không phải là thành viên của EU, không phải là một ý định mới. Một số nhà phân tích coi đó là dự tính chính trị của Nga để làm bộc lộ rạn nứt trong chiến lược của EU. Các nước Hungary, Áo, Serbia coi South Stream là giải pháp để cải thiện an ninh năng lượng, vì đường ống đi qua Ukraine từng bị gián đoạn hai lần trong những năm gần đây. Quốc hội Hungary hồi tháng 11 phê duyệt việc xây dựng South Stream, trong khi đó, Bỉ lại phản đối và cho rằng đường ống sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc vào năng lượng Nga của châu Âu.
"Serbia đã đầu tư vào dự án này trong 7 năm, nhưng hiện chúng tôi phải trả giá vì cuộc đối đầu giữa các cường quốc", Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic trả lời kênh RTS.
Bên thắng lợi thực sự
Theo New York Times, nếu có một bên chiến thắng trong vụ đổ bể dự án đường ống dẫn dầu này, thì đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này, cùng với Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển cần sử dụng nhiều năng lượng khác, đang khai thác sự rạn nứt trong quan hệ Nga -phương Tây để có được nguồn cung cấp năng lượng dài hạn với giá hời.
Theo Bloomberg, Nga phải đồng ý giảm giá 6 % cho nguồn khí đốt hiện nay cho Thổ Nhĩ Kỳ, điều này sẽ làm Gazprom tiêu tốn 700 triệu USD một năm. Vladimir Milov, cựu thứ trưởng năng lượng Nga, bày tỏ e ngại về dự định xây đường ống mới để phục vụ cho Thổ Nhĩ Kỳ của ông Putin
"Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã mong muốn trở thành trung tâm của các dòng vận chuyển khí đốt từ Nga, và bây giờ Ankara đã có cơ hội. Trong thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ luôn muốn giữ vai trò bán lại khí đốt. Họ nghĩ rằng "chúng tôi mua khí đốt của Nga đi qua đất chúng tôi và rồi bán lại cho châu Âu", ông nói.
Đường ống dẫn khí đến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tận dụng các cơ sở hạ tầng đã được xây dựng cho South Stream và vẫn cung cấp khí đốt cho châu Âu, nhưng theo một con đường gián tiếp. Theo giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller, công suất của đường ống sẽ là 63 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, tương đương với công suất mục tiêu của South Stream. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua 14 tỷ mét khối đó, và chuyển phần còn lại cho các nước vùng Balkans.
Theo New York Times, Nga là đồng minh quốc tế quan trọng nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang căng thẳng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận ra cơ hội để tận dụng cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt trả đũa mà Nga áp đặt đối với thực phẩm nhập khẩu châu Âu.
"Lệnh trừng phạt Nga khiến Moscow áp đặt lệnh cấm vận riêng vào hàng hóa nhập khẩu từ EU, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tận dụng lợi thế của khoảng cách này bằng cách trở thành một nước xuất khẩu quan trọng hơn", Sinan Ulgen, một cựu nhân viên ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và một học giả tại Europe Carnegie, một nhóm chính sách đối ngoại có trụ sở tại Brussels cho biết.
Ngoài thực phẩm, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn tìm thấy con đường khác cho hợp tác kinh tế. Nga đang hoàn thiện kế hoạch để bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, nhà phân tích Mikhail Korchemkin đã chỉ ra bất lợi cho Nga khi bắt tay với Thổ Nhĩ Kỳ. "Đường ống South Stream vốn được thiết kế nhằm xóa bỏ việc phải dẫn dầu qua một quốc gia khác, điều được coi là 'ăn bám' nền kinh tế Nga. Đường ống, khi chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lặp lại sự bất lợi này".
Theo Bershidsky, để khiến dự án đường ống dẫn khí đốt khả thi cho Gazprom, ông Putin đã ra quyết định miễn thuế khai thác và thuế đất. Dự án này, khi chuyển hướng sang Thổ Nhĩ Kỳ có thể chỉ đem lại ít lợi nhuận. Sử dụng nguồn năng lượng như một công cụ địa chính trị làm hạn chế lựa chọn về kinh doanh. Ông Putin đang chọn một con đường tốn kém để cứng rắn với phương Tây và đây là một chiến lược mạo hiểm khi xét đến cơ hội tài chính ngày càng thu hẹp của Nga. Phương án thay thế sẽ là cùng phương Tây giải quyết bất hòa về vấn đề Ukraine, nhưng đó là điều chưa thể đạt được hiện nay.
Phương Vũ