Đây là lần đầu tiên EMA cho phép sử dụng vaccine Covid-19 ở trẻ nhỏ. Đánh giá một nghiên cứu trên 2.000 tình nguyện viên, EMA ước tính vaccine Pfizer hiệu quả 90% ngăn ngừa nhiễm nCoV có triệu chứng ở trẻ. Tác dụng phụ thường gặp là đau tại vùng tiêm, nhức đầu, đau cơ và ớn lạnh. Trẻ em được tiêm hai liều vaccine cách nhau ba tuần.
Châu Âu hiện là tâm dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo lục địa này có thể ghi nhận 2 triệu người tử vong vào mùa xuân nếu không siết chặt các biện pháp phòng Covid-19. Trong bối cảnh dịch leo thang, nhiều quốc gia không chờ đợi EMA cấp phép đã chủ động tiêm chủng cho trẻ em từ sớm. Giới chức thủ đô Vienna của Áo đã cho phép tiêm cho nhóm từ 5 đến 11 tuổi.
Sau khi được EMA phê duyệt, vaccine Pfizer còn cần sự chấp thuận của Ủy ban châu Âu và các nước thành viên khu vực. Đầu tuần này, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết hãng dược BioNTech nước này, đối tác của Pfizer, sẽ vận chuyển vaccine cho trẻ nhỏ đến các nước EU kể từ ngày 20/12. Mỹ và Canada đã phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ nhỏ vào đầu tháng này.
Ở trẻ em, Pfizer thử nghiệm liều vaccine bằng một phần ba so với người lớn (10 microgram). Theo tiến sĩ Bill Gruber, phó chủ tịch cấp cao của hãng, với lượng vaccine nhỏ, trẻ từ 5 đến 11 tuổi vẫn phát triển nồng độ kháng thể đủ cao chống Covid-19 như thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Các nghiên cứu trên vaccine Pfizer ở trẻ em chưa đủ lớn (về quy mô) để phát hiện tác dụng phụ hiếm gặp sau liều thứ hai như viêm cơ tim. Song, các chuyên gia lưu ý hiệu quả của vaccine lớn hơn rủi ro. Giới chức Mỹ cho biết Covid-19 gây ra nhiều ca tử vong ở trẻ hơn các bệnh khác, chẳng hạn thủy đậu.
Tháng này, EMA bắt đầu đánh giá vaccine Covid-19 của Moderna ở trẻ từ 6 đến 11 tuổi, có thể đưa ra quyết định phê duyệt trong hai tháng tới. Trẻ em hầu hết chỉ có triệu chứng nhẹ sau nhiễm nCoV, nhưng một số chuyên gia y tế công cộng cho rằng việc chủng ngừa ở nhóm tuổi này sẽ giảm cường độ lây nhiễm của virus, ngăn ngừa các biến chủng phát sinh.
Tuần này, WHO tuyên bố tiêm phòng cho trẻ em "ít cấp thiết" hơn người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính và nhân viên y tế. WHO yêu cầu các nước phát triển ngừng tiêm chủng cho trẻ và nhường vaccine đến các nước thu nhập thấp. Song tổ chức này thừa nhận lợi ích của chiến dịch tiêm chủng trẻ nhỏ vượt xa so với rủi ro.
"Tiêm vaccine cho trẻ em và thanh thiếu niên có thể làm giảm mức độ lây nhiễm cho người lớn tuổi, đồng thời giải tỏa gánh nặng kiểm soát dịch bệnh ở các trường học", WHO nhận định.
Hiện nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang tiêm vaccine cho trẻ lớn hơn, độ tuổi 12-17.
Thục Linh (Theo AP)