Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã kéo dài sang ngày thứ 10 và chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy hai bên có thể đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột trong tương lai gần.
Dựa trên nhận định của giới chuyên gia và nguồn tin từ các chính phủ phương Tây, AFP liệt kê một số kịch bản cuộc xung đột có thể xảy ra trong những tuần và tháng tới.
Nga ngừng chiến dịch quân sự
Sau 9 ngày giao tranh ở loạt thành phố lớn, các lực lượng Ukraine đến nay vẫn đủ khả năng chống đỡ những đợt tiến công từ phía quân đội Nga, đánh bại nỗ lực của lính dù nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev trong những ngày mở màn chiến dịch và bảo vệ thành công những mục tiêu chiến lược như Kharkov hay Mariupol.
Quân đội Nga tới nay mới kiểm soát được thành phố Kherson ở miền nam Ukraine và dường như phải từ bỏ chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" để chuyển sang cách đánh vây hãm kết hợp pháo kích mục tiêu trong các đô thị lớn.
Các quan chức phương Tây cho biết dù Nga tuyên bố họ đã giành được ưu thế trên không ở Ukraine, các hệ thống phòng không xung quanh thủ đô Kiev và các khu vực khác dù chịu tổn thất đáng kể vẫn có khả năng tham chiến và đe dọa máy bay Nga.
"Chúng gây ra cho họ khá nhiều khó khăn", một nguồn tin giấu tên ở châu Âu hôm 4/3 nói với các phóng viên.
Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cũng đánh giá rằng trong giai đoạn đầu của chiến dịch, quân đội Nga dường như gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực vô hiệu hóa hệ thống phòng không Ukraine, khiến các tiêm kích, cường kích của họ không thể tự do hành động trên bầu trời.
Trên mặt đất, một lượng lớn tình nguyện viên Ukraine đã đăng ký tham gia các đơn vị phòng vệ để tăng cường lực lượng cho quân chính quy. Trong khi đó, nhiều chuyên gia phương Tây tỏ ra hoài nghi về năng lực hậu cần của quân đội Nga khi tiến hành chiến dịch quy mô ở một đất nước rộng lớn như Ukraine.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết trong cuộc họp báo hôm 4/3 rằng sức phản kháng của quân đội Ukraine cũng như loạt thách thức trong khâu hậu cần và tiếp nhiên liệu đã khiến đoàn xe quân sự dài 64 km của Nga ùn lại ở ngoại ô Kiev nhiều ngày qua, gần như không thể tiến thêm.
Ngoài những khó khăn trên chiến trường, các biện pháp trừng phạt tăng cường của phương Tây cũng đang bóp nghẹt nền kinh tế Nga và chúng rất có thể buộc Tổng thống Vladimir Putin phải thay đổi tính toán chiến lược mà ông theo đuổi và chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Samuel Charap, chuyên gia tại tổ chức tư vấn và nghiên cứu chính sách toàn cầu RAND Corporation, nhận định sức ép lớn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể buộc ông Putin từ bỏ mục tiêu ban đầu của chiến dịch quân sự, đó là loại bỏ chính phủ hiện nay ở Kiev để thiết lập một chính quyền thân Nga tại Ukraine.
Áp lực từ Trung Quốc, đồng minh quan trọng của Nga, hay dư luận trong nước, cũng có thể là những yếu tố quan trọng thúc đẩy Điện Kremlin thay đổi tính toán của mình.
Chiến dịch quân sự của Nga thành công
Nhận định quân đội Nga đang gặp nhiều khó khăn trên thực địa, nhưng Lầu Năm Góc không loại trừ khả năng lực lượng Nga sẽ dần rút kinh nghiệm từ thực tế và cố gắng khắc phục nhanh chóng các điểm nghẽn về hậu cần, tiếp liệu trước khi tiếp tục thực hiện chiến dịch bao vây Kiev.
Các nhà phân tích quốc phòng phương Tây cũng dự đoán rằng với vũ khí, sức mạnh không quân và pháo binh vượt trội, các lực lượng Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tấn công tại Ukraine. Lực lượng vũ trang Ukraine đang phải chiến đấu suốt ngày đêm, không có thêm tiếp viện và có nguy cơ dần dần bị bào mòn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói rằng "điều tồi tệ nhất sắp đến" sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Putin sáng 3/3. "Nga muốn kiểm soát toàn bộ Ukraine", một trợ lý của ông Macron nói với các phóng viên sau đó.
Nhưng ngay cả khi quân đội Nga tiến được vào Kiev, vô hiệu hóa chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky và dập tắt phản kháng ở những nơi khác, họ sau đó sẽ phải đối mặt với thách thức quản lý một quốc gia với 40 triệu dân.
"Tiến vào một thành phố rất khác với việc kiểm soát nó lâu dài", Lawrence Freedman, giáo sư tại Đại học Hoàng gia London, tuần qua viết.
Hiện chưa rõ Nga sẽ làm gì trong kịch bản chiến dịch quân sự tại Ukraine đạt được các mục tiêu cuối cùng. Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã nêu rõ các lực lượng Nga không có kế hoạch chiếm đóng lâu dài Ukraine, mà chỉ "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" chính quyền Kiev.
Nguy cơ xung đột lan rộng
Ukraine có chung đường biên giới với 4 nước từng thuộc Liên Xô nhưng hiện là thành viên NATO, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu vốn coi hành động tấn công vào một thành viên của khối là tấn công chống lại tất cả.
Cam kết của Tổng thống Putin bảo vệ các nhóm người Nga thiểu số, rất nhiều trong số đó đang sinh sống và làm việc ở các nước vùng Baltic, đã để lại một câu hỏi bỏ ngỏ rằng liệu chiến sự ở Ukraine có lặp lại ở những nơi khác hay không.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 26/2 bày tỏ lo ngại rằng sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga có thể nhắm "mục tiêu tiếp theo là các nước vùng Baltic, Phần Lan, Ba Lan hoặc những quốc gia khác ở sườn phía đông".
Trước khi mở chiến dịch quân sự, Tổng thống Putin cáo buộc Kiev phạm "tội ác diệt chủng" ở vùng Donbass ở phía đông Ukraine, gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk, nơi đã chứng kiến giao tranh giữa phe ly khai do Nga hậu thuẫn và quân đội chính phủ suốt từ năm 2014 đến nay. Ông tuyên bố mục tiêu của chiến dịch còn nhằm "bắt những kẻ phạm nhiều tội ác phải chịu trách nhiệm về tình trạng đổ máu của dân thường, bao gồm cả công dân Nga".
Bởi vậy, một số chuyên gia lo ngại sau Ukraine, Nga cũng có thể nhắm tới Moldova, quốc gia thuộc Liên Xô cũ, nằm giữa Ukraine và Romania.
Rất ít người tin Tổng thống Putin sẽ mở chiến dịch quân sự đối với một thành viên NATO, điều sẽ dẫn tới nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, theo Charap, những sự cố ngoài ý muốn hoặc tính toán sai lầm, như tên lửa bay lạc hay các cuộc tấn công mạng, đều có thể dẫn đến đụng độ giữa Nga với một thành viên NATO gần Ukraine.
Mỹ và Nga đã thiết lập đường dây liên lạc để có thể trao đổi thông tin quân sự nhanh chóng nhằm giảm nguy cơ hiểu lầm hay tính toán sai liên quan đến Ukraine. Phương pháp ngăn xung đột tương tự cũng được áp dụng ở Syria, nơi các lực lượng quân sự Mỹ và Nga đều đang hiện diện.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã ra lệnh cho các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào trạng thái báo động cao và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo rằng "Thế chiến III chỉ có thể là một cuộc chiến tranh hạt nhân".
Các nhà phân tích phương Tây cho rằng khi phát đi những cảnh báo như vậy, Nga muốn gửi thông điệp răn đe tới Mỹ và châu Âu rằng đừng cân nhắc phương án thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine.
"Những cảnh báo này chủ yếu nhắm tới phương Tây, nhằm khiến họ lo sợ và bất an", Gustav Gressel, chuyên gia về phòng thủ tên lửa tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định.
Vũ Hoàng (Theo AFP)