Việc triển khai tiêm phòng diễn ra không suôn sẻ kể từ khi EU phê duyệt vaccine vào cuối tháng 12/2020. Biến chủng nCoV mới đẩy châu Âu vào thảm cảnh với hàng loạt quốc gia phải phong tỏa và hệ thống y tế quá tải. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine.
"Ngày mai, tủ lạnh của chúng tôi sẽ trống rỗng", Josep Maria Argimon, quan chức y tế ở Catalonia, Tây Ban Nha, cảnh báo về tình trạng cạn kiệt vaccine Covid-19. Ngày 27/1, Tây Ban Nha trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tạm ngưng một phần chiến dịch tiêm chủng do thiếu vaccine. Đầu tiên là Madrid bị gián đoạn trong hai tuần và Catalonia - khu vực đông bắc bao gồm Barcelona - có thể là vùng tiếp theo.
Không rõ khi nào nguồn cung vaccine mới có thể cải thiện, trong lúc EU đang vướng tranh chấp với AstraZeneca khi hãng này thông báo cắt giảm 60% đơn hàng vì sản xuất thiếu hụt. Chưa dừng lại, Pfizer cho biết trong tháng 1 họ phải cắt giảm đáng kể nguồn cung vaccine cho châu Âu cho đến giữa tháng 2, khi các nhà máy hoàn thành nâng cấp để tăng năng lực sản xuất.
Công ty dược phẩm Sanofi của Pháp hôm 27/1 cho biết họ sẽ giúp sản xuất hơn 100 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech bắt đầu từ mùa hè 2021. Tuy nhiên, những thành quả có thể sẽ không đến kịp thời để cứu vãn kế hoạch tiêm chủng trong nửa đầu năm 2021.
EU phê duyệt vaccine chậm hơn nhiều tuần so với các quốc gia như Mỹ và Anh. Dù giàu có và nhiều ảnh hưởng, liên minh nhận thấy đang tụt hậu với các nước như Israel, Canada và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ủy ban châu Âu đặt mục tiêu tiêm phòng cho 70% dân số cho đến mùa hè này. Chỉ vài ngày sau đó, chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel, tuyên bố nhiệm vụ này rất khó khăn.
Theo số liệu của trang web nghiên cứu Our World in Data, tính đến tuần này, chỉ 2% công dân EU đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, so với 40% ở Israel, 11% ở Anh và hơn 6% ở Hoa Kỳ. Nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước nghèo hơn, đang phải vật lộn để có vaccine.
Một số người chỉ trích Ủy ban châu Âu đã thực hiện các thỏa thuận thay mặt cho các nước thành viên để đặt hàng tổng cộng 2,3 tỷ liều vaccine từ một số công ty. Các thỏa thuận được ký chậm hơn so với Mỹ và Anh. Hãng dược AstraZeneca và một số chính trị gia đối lập ở châu Âu nói rằng sự chậm trễ này khiến EU thiếu vaccine.
Trước những ý kiến đó, Ủy viên y tế của EU, Stella Kyriakides tuyên bố: "Ủy ban bác bỏ luận điểm ai đến trước được phục vụ trước. Điều đó có thể áp dụng tại cửa hàng thịt, nhưng không phải với hợp đồng và thỏa thuận mua hàng của chúng tôi".
Mai Dung (Theo New York Times)