Chiến dịch Nga phát động ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022 được coi là hồi chuông cảnh tỉnh để châu Âu thay đổi quan điểm về an ninh quốc phòng của mình, sau nhiều thập kỷ liên tục cắt giảm chi tiêu quân sự, với niềm tin một cuộc xung đột quy mô lớn sẽ không còn nổ ra trên châu lục.
Theo Max Bergmann, giám đốc Trung tâm Stuart về châu Âu, Nga và Âu Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), cuộc chiến kéo dài đã phơi bày những lỗ hổng đáng báo động về quốc phòng châu Âu. Lực lượng vũ trang các nước trong 20 qua không được đầu tư đầy đủ, chủ yếu các nhiệm vụ nhân đạo, chống nổi loạn và khủng bố ở các nơi xa xôi như Afghanistan. Điều này khiến quân đội châu Âu thiếu những điều kiện cần thiết cho một cuộc chiến quy mô lớn ở ngay trên châu lục.
Sau những nỗ lực viện trợ quân sự liên tục cho Ukraine, hầu hết các nước châu Âu nhận ra rằng họ đều không dự trữ đủ đạn. Với tần suất khai hỏa như ở Ukraine, quân đội Đức chỉ đủ đạn pháo cho vài ngày chiến đấu.
Khi Ukraine hối thúc phương Tây viện trợ xe tăng, châu Âu phát hiện lực lượng xe tăng của họ không đủ cả về số lượng và mức độ sẵn sàng chiến đấu. Đức đang biên chế 300 xe tăng Leopard 2, nhưng chỉ có 130 chiếc sẵn sàng hoạt động. Tây Ban Nha cũng có hơn 300 chiếc Leopard, nhưng 1/3 số đó đang đắp chiếu hoặc hư hỏng.
Lực lượng pháo binh khiêm tốn của châu Âu ngày càng cạn kiệt vì hỗ trợ Ukraine. Pháp đã gửi hơn 1/3 số pháo trong biên chế tới Ukraine, trong khi Đan Mạch dường như đã chuyển tất cả số khẩu pháo mình có đến chiến trường này.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào mùa hè năm ngoái, liên minh đã tập trung thảo luận về mối đe dọa từ Nga và các yêu cầu của chiến tranh thông thường. NATO nhất trí mục tiêu xây dựng lực lượng phản ứng nhanh khoảng 300.000 người, tăng từ mức 40.000 hiện tại. Song giới chuyên gia cho rằng đây là mục tiêu quá tham vọng mà NATO khó có thể hoàn thành.
"Không ai nói rõ NATO làm cách nào để huy động được một lực lượng như vậy", Bergmann nói. "Ngay cả các lãnh đạo châu Âu quyết tâm hỗ trợ Ukraine và tăng cường năng lực quốc phòng của chính họ cũng không có đủ vũ khí, chuỗi cung ứng, năng lực sản xuất và mua sắm để đáp ứng nhu cầu của lực lượng phản ứng nhanh đó".
Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đã suy giảm năng lực nghiêm trọng sau hàng chục năm các nước duy trì mức chi tiêu thấp cho quốc phòng. Vấn đề lớn hơn với châu Âu là họ không có thị trường quốc phòng chung để đáp ứng nhu cầu an ninh của lục địa.
Đó là lúc các nhà thầu quốc phòng Mỹ nhảy vào và hưởng lợi từ các hợp đồng vũ khí khắp châu Âu, lấn át hoạt động của công ty ở châu lục. Giới quan sát cho rằng đây là lý do Mỹ thường phản đối những nỗ lực của châu Âu nhằm tự lực về quốc phòng.
Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis và các quan chức khác của chính quyền Donald Trump đã phản đối gay gắt kế hoạch thành lập Quỹ Quốc phòng châu Âu để phát triển các hệ thống vũ khí mới. Chính quyền Trump cũng tích cực vận động hành lang cho các công ty Mỹ có thể tiếp cận các quỹ của Liên minh châu Âu (EU).
Chính sách tiếp cận thị trường vũ khí châu Âu vẫn được duy trì Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Trọng tâm chính của đối thoại an ninh Mỹ - EU gần đây đã hoàn tất thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận với ngân sách quốc phòng của EU nhiều hơn.
Theo Bergmann, sự phản đối quyết liệt của Mỹ đã khiến một số thành viên EU ngần ngại tham gia các sáng kiến chung của khối, khiến hợp tác quốc phòng ngày càng suy giảm.
Năm 2021, mức chi tập thể của EU cho mua sắm vũ khí chỉ chiếm 18% tổng ngân sách mua khí tài của các nước thành viên, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 35% của EU về lĩnh vực này, theo Cơ quan Quốc phòng châu Âu. Kết quả là các nước châu Âu "mạnh ai nấy mua" và sử dụng các loại khí tài khác nhau, gây khó khăn cho phối hợp tác chiến.
Điều này đã được thể hiện trong xung đột Ukraine. Các nước EU viện trợ cho Kiev nhiều loại pháo khác nhau, mỗi loại một ít và có tiêu chuẩn bảo trì, bảo dưỡng riêng biệt, gây ra "ác mộng hậu cần" đối với quân đội Ukraine.
Các nước châu Âu đang sử dụng 29 loại tàu khu trục khác nhau, 17 loại xe tăng hay thiết giáp chở quân và 20 loại tiêm kích. Trong khi đó, Mỹ đang biên chế 4 loại tàu khu trục, một loại xe tăng và 6 loại tiêm kích.
Thực tế này tạo ra nhiều lỗ hổng của châu Âu trong các hoạt động phối hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải, trinh sát, giám sát. Trong chiến dịch rút lực lượng quân sự của Mỹ và đồng minh ở Afghanistan năm 2021, các nước châu Âu đã phải dựa hoàn toàn vào Washington để sơ tán công dân về nước.
NATO đã tìm giải pháp lấp khoảng trống năng lực cho châu Âu bằng cách trao trách nhiệm đảm bảo quốc phòng cho lục địa này vào tay Mỹ, đồng thời yêu cầu các nước EU chi cho quốc phòng nhiều hơn.
Các nước châu Âu cũng không có xu hướng ưu tiên đầu tư vào các hệ thống giúp giảm phụ thuộc vào Mỹ. Thay vào đó, họ chú trọng mua hàng từ các công ty Mỹ để tăng cường quan hệ quốc phòng với Washington.
"Kết quả quân đội châu Âu càng phải phụ thuộc hơn vào Mỹ, ngay cả trong các nhiệm vụ quân sự cơ bản nhất", Bergmann cho hay.
Xung đột Ukraine khiến vấn đề quốc phòng của châu Âu trở nên nan giải hơn. Sau khi gửi một lượng lớn thiết bị tới Ukraine, các thành viên EU cho rằng họ không đủ khả năng để chờ đợi các nhà sản xuất châu Âu bù đắp kho vũ khí. Do đó, họ tìm cách bổ sung nhanh chóng bằng cách tìm mua từ các nhà sản xuất bên ngoài, chủ yếu là từ Mỹ.
"Vấn đề là khi một quốc gia mua các hệ thống vũ khí lớn, họ sẽ phải gắn bó với dịch vụ bảo trì của nhà cung cấp đó trong nhiều thập kỷ", Bergmann nói.
Để giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ, Ủy ban châu Âu lên kế hoạch chi 530 triệu USD trong hai năm tới nhằm khuyến khích các nước thành viên theo đuổi kế hoạch phát triển nền tảng công nghiệp quốc phòng riêng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng với ngân sách hiện tại, chương trình này khó thay đổi nhanh chóng hành vi mua sắm vũ khí của các nước châu Âu.
Các nước thành viên EU có thể phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho quốc phòng trong thời gian tới, nhưng dường như không sẵn sàng chi quá nhiều tiền. EU đã dành 800 tỷ USD chống Covid-19, nhưng không sẵn sàng làm điều tương tự để đối phó với xung đột hiện tại.
Thay vì coi xung đột Ukraine là cơ hội để thay đổi, các nước châu Âu lại ngày càng thiếu phối hợp nội bộ và tăng phụ thuộc quốc phòng vào Mỹ, theo Bergmann.
"Chừng nào châu Âu vẫn tiếp tục suy nghĩ, hành động và phân bổ ngân sách quốc phòng theo kiểu mạnh ai nấy làm mà không có nỗ lực tập thể, họ sẽ khó có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào Washington", chuyên gia này cảnh báo.
Thanh Tâm (Theo Foreign Affairs)