Sau nhiều cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga với Mỹ và NATO cuối tháng trước, căng thẳng giữa Moskva và phương Tây không có dấu hiệu lắng dịu. Tổng thống Joe Biden ngày 7/2 cảnh báo những người Mỹ không phải nhân viên chính phủ nên rời Ukraine. "Tôi không muốn thấy họ mắc kẹt trong một cuộc chiến", ông nói.
Dù vậy, Biden nói Mỹ chưa chắc chắn về động thái tiếp theo của Tổng thống Nga Vladimir Putin. "Tôi không biết ông ấy sẽ làm gì. Và tôi không nghĩ có bất kỳ ai biết ngoài ông ấy", Biden nói sau cuộc họp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng hôm qua.
Bình luận được Biden đưa ra chỉ một ngày sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với NBC News rằng "cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có thể xảy ra bất kỳ lúc nào", thậm chí ông này còn đưa ra kịch bản Nga sáp nhập vùng Donbass ở miền đông Ukraine.
Những cảnh báo tương tự đã được Mỹ và đồng minh đưa ra nhiều tuần qua, khi Nga triển khai hơn 100.000 quân gần biên giới Ukraine và đưa ra hàng loạt đề xuất an ninh để tháo ngòi căng thẳng, nhưng phần lớn bị Washington cùng NATO từ chối.
Nỗi lo về một cuộc chiến quy mô lớn ở châu Âu đã thúc đẩy hàng loạt động thái ngoại giao con thoi bắt đầu từ tuần này. Trong khi Thủ tướng Đức trao đổi với Biden tại Nhà Trắng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng bay tới Moskva để gặp Tổng thống Putin. Macron dự kiến tới Kiev ngày 8/2, trong khi Scholz sẽ tới Nga và Ukraine tuần tới.
Tổng thống Pháp kêu gọi giảm leo thang căng thẳng khi ngồi xuống bàn đàm phán với Putin ở Điện Kremlin.
"Đối thoại là cần thiết bởi tôi cho rằng đó là con đường duy nhất có thể giúp đảm bảo an ninh và ổn định cho châu Âu", Macron nói, gọi cuộc thảo luận là bước đầu tiên hướng tới giảm leo thang. "Tôi rất vui vì có cơ hội thảo luận sâu về tất cả vấn đề này và bắt đầu xây dựng phản ứng hiệu quả".
Đáp lại, Putin ca ngợi vai trò của Pháp trong định hình an ninh châu Âu và lưu ý rằng cuộc hội đàm của họ diễn ra vào ngày hai nước ký hiệp ước hữu nghị cách đây 30 năm.
"Tôi nhận ra rằng chúng ta có chung mối quan tâm về những vấn đề an ninh đang diễn ra ở châu Âu", Putin nói với Macron, thêm rằng ông đánh giá cao nỗ lực của Pháp nhằm đảm bảo "an ninh công bằng ở châu Âu" và dàn xếp một giải pháp tháo gỡ khủng hoảng Ukraine.
Đức, cường quốc hàng đầu ở châu Âu, cũng nỗ lực tìm giải pháp ngăn chiến tranh nổ ra ở châu lục. Thủ tướng Scholz đã chống lại áp lực từ Mỹ, khước từ viện trợ vũ khí cho Ukraine và kêu gọi "thận trọng" với các biện pháp trừng phạt kinh tế Moskva. Phản ứng của Đức khiến một số nước phương Tây lo ngại rằng Berlin có thể là mắt xích lỏng lẻo trong nỗ lực xây dựng mặt trận thống nhất của châu Âu trong khủng hoảng Ukraine.
Scholz và Biden đã tìm cách thể hiện lập trường thống nhất sau cuộc gặp ngày 7/2 tại Nhà Trắng, khi nói với phóng viên tại cuộc họp báo chung rằng liên minh Mỹ - Đức vẫn rất mạnh mẽ và hai nước sẽ cùng những đồng minh khác sẵn sàng ứng phó với kịch bản Nga động binh.
"Điều quan trọng là chúng ta phải cùng nhau hành động, sát cánh bên nhau và làm những gì cần thiết cùng nhau", Scholz nói. "Chúng tôi đã nói rõ rằng nếu Ukraine bị tấn công, nó sẽ kéo theo rất nhiều hệ quả nghiêm trọng".
Tuy nhiên, hai lãnh đạo dường như không tìm được tiếng nói chung về số phận đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Biden tuyên bố rằng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 sẽ bị đóng nếu Moskva tấn công Ukraine, trong khi Scholz đáp lại một cách mơ hồ, không trực tiếp nhắc tới Nord Stream 2, mà chỉ cam kết sẽ "đoàn kết" với Biden.
Kỳ vọng hạ nhiệt căng thẳng
Tổng thống Pháp Macron từng nói trong cuộc phỏng vấn với Journal du Dimanche rằng ông không kỳ vọng vào bước đột phá lớn từ chuyến thăm Moskva, nhưng tuyên bố cuộc gặp với Putin là cần thiết, khi căng thẳng tiếp tục gia tăng.
"Rất khó ngăn tình hình diễn biến trầm trọng hơn trước khi có các cơ chế, động thái xây dựng lòng tin", ông nói. "Mục tiêu địa chính trị của Nga hiện nay không phải Ukraine, mà là làm rõ quy tắc sống chung với NATO và EU".
Macron đã dành cuối tuần qua để điện đàm với các đồng minh, trong đó có cuộc nói chuyện với Biden vào ngày 6/2.
Nga dường như nhất trí rằng những nỗ lực của Macron khó có thể mang về kết quả ngay lập tức. "Tình hình hiện nay quá phức tạp để mong đợi những thay đổi mang tính quyết định chỉ sau một cuộc họp", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
"Bầu không khí vẫn rất căng thẳng", Peskov nói thêm, cáo buộc các lãnh đạo phương Tây phớt lờ yêu cầu của Nga. "Thay vào đó, họ thích thảo luận về cái mà họ xem là cuộc tấn công sắp xảy ra của Nga vào Ukraine".
Moskva nhiều lần bác bỏ cáo buộc lên kế hoạch tấn công Ukraine. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cuối tuần qua tiết lộ rằng Nga đã triển khai 70% lực lượng cần thiết cho chiến dịch quân sự tổng lực. Họ cho biết nếu kịch bản này xảy ra, thủ đô Kiev sẽ có thể thất thủ chỉ trong vòng 48 giờ.
Các quan chức Mỹ cho rằng với tốc độ điều binh như hiện nay, Nga có thể đạt 100% khả năng tấn công vào khoảng 15/2, khi mặt đất hoàn toàn đóng băng, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện cơ giới di chuyển dễ dàng.
Tuy nhiên, Nga bác bỏ phỏng đoán này của giới chức Mỹ. "Một kiệt tác khác từ cỗ máy tuyên truyền của Mỹ, với các quan chức giấu tên, nguồn tin không được tiết lộ và cũng không đưa ra bằng chứng nào", Dmitry Polyanskiy, phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, nói hôm 6/2.
Các nỗ lực ngoại giao của châu Âu được tiến hành gấp rút sau khi Putin tuần trước lên tiếng cáo buộc Mỹ và đồng minh phớt lờ yêu cầu quan trọng của Nga, như ngăn Ukraine gia nhập NATO, rút lực lượng quân sự ở Trung và Đông Âu, khi cho rằng động thái mở rộng về phía đông của NATO đe dọa an ninh Nga.
Những yêu cầu của Nga phần lớn đã bị Mỹ và NATO từ chối, nhưng giới quan sát hy vọng rằng vẫn còn một con đường ngoại giao giúp thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại. Tổng thống Putin cũng để ngỏ khả năng tháo ngòi xung đột.
"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để tìm những biện pháp dàn xếp làm vừa lòng tất cả các bên. Sẽ không có người thắng nếu chiến tranh nổ ra tại châu Âu", Putin nói sau cuộc hội đàm dài 5 giờ với Macron ở thủ đô Moskva hôm qua.
Thanh Tâm (Theo NBC News)