Theo ước tính của tập đoàn Goldman Sachs, hầu hết quốc gia châu Á mới chỉ tiêm vaccine Covid-19 cho một phần nhỏ dân số và sẽ không thể đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng cho đến năm 2022. Trong khi đó, Mỹ và Anh được dự báo đến tháng 5 có khả năng đã tiêm chủng được cho một nửa dân số.
Bình luận viên Phred Dvorak của Wall Street Journal chỉ ra rằng điều này có thể khiến một số nước châu Á rơi vào thế "phòng thủ", buộc phải kiểm soát chặt chẽ biên giới do dân số ít phát triển khả năng miễn dịch tự nhiên với nCoV, ngay cả khi đông đảo quốc gia trên thế giới tái mở cửa doanh nghiệp và nối lại hoạt động vận tải quốc tế.
"Điều trớ trêu của việc châu Á kiểm soát thành công Covid-19 là họ sẽ đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng muộn hơn", Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Goldman Sachs, cho biết.
Theo Tilton, châu Mỹ và châu Âu có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế lớn nhất trong vài quý tới, còn châu Á sẽ phục hồi chậm hơn, mặc dù có nền tảng mạnh mẽ hơn, hoặc thậm chí trong một số trường hợp, tình hình có nguy cơ xấu đi. Những tình huống có thể làm thay đổi viễn cảnh này bao gồm việc triển khai vaccine bị trì hoãn, hoặc các biến chủng nCoV làm giảm hiệu quả tiêm chủng.
Nhiều người châu Á vẫn vui vẻ chấp nhận việc bị hạn chế đi lại, cùng các biện pháp chống dịch khác, nhằm duy trì số ca tử vong vì Covid-19 ở mức thấp nhất có thể. Một số nước đã thích nghi tốt với trạng thái đóng biên, điển hình là Trung Quốc, nơi từng đưa khách du lịch ra nước ngoài nhiều hơn so với nội địa, nhưng giờ đây mức chi tiêu du lịch trong nước lại tăng vọt. Các nhà máy của họ cũng cung cấp hàng hóa cho phần còn lại của thế giới.
"Hầu hết quốc gia đã kiềm chế được Covid-19 kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn thay vì nới lỏng, bởi họ phát hiện ra nền kinh tế trong nước có thể hoạt động ở mức độ tương đối ổn mà không cần hoạt động di chuyển quốc tế", Richard Yetsenga, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng ANZ ở Australia, cho biết.
Tuy nhiên, việc đóng cửa biên giới và các chính sách kiềm chế Covid-19 khác đi kèm với những cái giá phải trả. Các quốc gia này sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thu hút nhà đầu tư, nhân lực, du khách và sinh viên nước ngoài. Người dân trong nước có việc cần xuất cảnh cũng không thể trở về dễ dàng.
Tại Australia, lệnh đóng biên năm ngoái đã làm giảm 20% trong số 31 tỷ USD nước này thu được mỗi năm từ sinh viên quốc tế, theo Phil Honeywood, giám đốc điều hành Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Australia. Tình hình năm nay được dự đoán còn tồi tệ hơn, bởi không có nhiều thông tin rõ ràng về thời điểm các du học sinh được phép trở lại.
Ravi Singh, giám đốc Global Reach, một cơ quan giúp đưa sinh viên khu vực Nam Á đến các trường đại học toàn cầu, cho biết số lượng sinh viên đăng ký dự những sự kiện tuyển sinh đại học của Australia đã giảm 50%, trong khi lượng câu hỏi về các trường đại học ở Anh và Canada tăng gấp đôi. "Sinh viên không thể chờ đợi mãi", Singh nói.
New Zealand, quốc gia kiềm chế được số ca nhiễm nCoV ở mức dưới 2.500 nhờ một trong những lệnh phong tỏa và chương trình cách ly nghiêm ngặt nhất thế giới, đang phải lãnh hậu quả bởi nền kinh tế phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn lao động và khách du lịch nước ngoài.
Ngân hàng ANZ ước tính nền kinh tế New Zealand có khả năng bị thu hẹp 5% nếu không có ngành du lịch. Lỗ hổng này đến nay được lấp đầy nhờ sự bùng nổ nhà ở do kích cầu, nhưng sẽ không tồn tại lâu dài, Sharon Zollner, nhà kinh tế trưởng của ANZ tại New Zealand, cảnh báo.
Zollner dự đoán biên giới New Zealand sẽ không mở cửa trở lại, ít nhất là cho tới cuối năm nay, đồng nghĩa với việc đến giữa năm 2022 nền kinh tế mới được thúc đẩy phục hồi hoàn toàn. "Mọi người bắt đầu nghĩ Covid-19 đã kết thúc và họ đã né được một viên đạn. Nhưng trên thực tế dự báo của chúng tôi cho thấy nền kinh tế năm nay sẽ đi chệch hướng một chút", bà nói.
Tăng trưởng GDP tại châu Á nhìn chung vẫn được dự báo sẽ mạnh mẽ, một phần bởi tình hình năm ngoái quá tồi tệ, khiến mức tăng so với cùng kỳ có vẻ khả quan. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế tin rằng các nước phương Tây sẽ dẫn đầu tăng trưởng năm nay, khi chiến dịch tiêm chủng tạo điều kiện cho họ bình thường hóa hoạt động của nhà hàng và doanh nghiệp dịch vụ khác.
Các gói kích cầu cũng giúp thúc đẩy tăng trưởng. Theo báo cáo hồi tháng 1 của S&P Global Ratings, nhu cầu của người tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu đang phục hồi nhanh hơn so với châu Á, một xu hướng có thể tiếp tục khi công tác tiêm chủng của châu Á tụt lại phía sau và người dân vẫn cảnh giác với đại dịch.
Áp lực phải ngăn chặn Covid-19 từ những cụm dịch nhỏ nhất có thể đã dẫn đến tâm lý dè dặt. Bất chấp tất cả thành tựu kinh tế gần đây, Trung Quốc vẫn phong tỏa các khu dân cư và xét nghiệm hàng triệu cư dân mỗi khi xuất hiện vài ca nhiễm nCoV. Đến giữa tháng 2, Trung Quốc mới phân phối khoảng 40% trong số 100 triệu liều vaccine Covid-19 đã chuẩn bị từ trước Tết Nguyên đán.
Goldman Sachs dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ tăng vọt trong quý đầu tiên, sau đó giữ ở mức đều đều trong phần còn lại của năm, còn Mỹ và Anh sẽ tăng rất mạnh trong quý hai và ba.
Thái Lan, nơi 20% nền kinh tế dựa vào ngành du lịch, có thể là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ lệnh đóng cửa biên giới. Cơ quan hoạch định kinh tế của nước này đã nhiều lần hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 và hiện dự đoán số du khách nước ngoài năm nay sẽ đạt 3,2 triệu, chưa bằng 1/10 tổng số năm 2019.
Tuy nhiên, con số này cũng là mức dự báo trong trường hợp Thái Lan đủ khả năng tiêm chủng cho khoảng 50% dân số tính đến cuối năm nay, viễn cảnh mà một số chuyên gia cho rằng quá lạc quan. Thái Lan vừa bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trong tuần này, với số liều ban đầu khá ít.
Tại đảo du lịch nổi tiếng Phuket, các doanh nghiệp đang kêu gọi chính phủ cho phép họ tự đầu tư để tiêm phòng cho các nhân viên khách sạn, nhà hàng và cơ quan du lịch, để họ có thể tự tin đón du khách nước ngoài. Bhummikitti Ruktaengam, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket, cho biết nếu không có sự can thiệp tư nhân như vậy, hòn đảo có lẽ không thể đạt được miễn dịch cộng đồng trong ít nhất 1,5 năm nữa, thời gian quá dài để họ có thể cầm cự.
Quần đảo Cook, quốc đảo Thái Bình Dương nhỏ bé nằm giữa New Zealand và Hawaii, nơi du lịch chiếm khoảng 80% nền kinh tế, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. ANZ ước tính GDP quốc đảo này đã giảm hơn 5% năm ngoái và sẽ giảm tiếp 15% trong năm nay.
Paul Ash, chủ một khu nghỉ dưỡng trên đảo chính Rarotonga, cho biết doanh nghiệp của ông đã mất 90% thu nhập và các cổ đông đang rót gần 16.000 USD mỗi tháng để duy trì. Theo Ash, khu nghỉ dưỡng của ông và những người khác trên đảo chỉ có thể tồn tại vài tháng nữa.
"Sẽ đến lúc tình hình không thể khôi phục được nữa. Chúng tôi đang cách viễn cảnh đó không quá xa", Ash nói.
Ánh Ngọc (Theo WSJ)