Xung đột ở Ukraine, các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt lên Nga cùng quyết định mới đây nhất của chính quyền Mỹ cấm nhập khẩu dầu Nga đã đẩy giá nhiên liệu tăng vọt, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới túi tiền của người dân trên khắp thế giới.
Với mức giá tăng trên 2,2 USD mỗi lít xăng, tài xế taxi Aziz Brahmi ở Paris, Pháp, cho biết hiện anh tránh lái xe vòng quanh để tìm kiếm hành khách. "Điều duy nhất tôi có thể làm là hạn chế lái xe trống khách", Brahmi, 38 tuổi, nói. Anh thường đi khoảng 200 km mỗi ngày.
"Chúng tôi giờ đây chỉ đứng một chỗ đợi khách đến mà không đi tìm khách nữa", Brahmi nói.
Các tài xế taxi ở thủ đô London, Anh, cũng áp dụng chiến lược tương tự.
"Giá xăng dầu tăng chắc chắn có ảnh hưởng đến tôi", tài xế Gary Bollister cho hay. "Tôi phải trả hóa đơn vì vậy tôi cần làm việc chăm chỉ hơn. Ngặt nỗi, đường sá trong thành phố đang sửa chữa quá nhiều khiến thời gian lái xe lâu hơn, đồng nghĩa tôi cũng sử dụng nhiều nhiên liệu hơn".
Giá dầu thô đã chạm mức cao nhất trong nhiều năm trước khi Moskva mở chiến dịch quân sự tại Ukraine nhưng xung đột còn khiến giá dầu tiếp tục tăng vọt do Nga là nhà sản xuất chính của thế giới.
Giá dầu Brent đã vượt 130 USD hôm 8/3 khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và khí đốt Nga, trong khi Anh có kế hoạch giảm dần nhập dầu Nga trong năm nay. Liên minh châu Âu (EU) cũng vạch kế hoạch giảm 2/3 lượng khí đốt nhập từ Nga trong năm nay, dù Đức và một số thành viên khác phụ thuộc nhiều vào nguồn cung này.
Giá nhiên liệu hiện tại đã và đang làm tổn hại ví tiền cũng như nguồn thu của các cá nhân và doanh nghiệp.
Colin, 55 tuổi, nhân viên chuyển phát nhanh ở London, cho biết ông chi 26 USD mỗi ngày để đổ đầy bình xăng, gần gấp đôi so với thời điểm bình thường.
"Tôi thà đi bộ còn hơn tiếp tục mất tiền", ông nói khi giá dầu diesel tại các trạm địa phương cũng đã tăng lên 2,11 USD một lít.
Các tài xế Thụy Điển là những người phải đối mặt với mức giá nhiên liệu cao nhất ở châu Âu, với giá dầu diesel đã vượt 2,53 USD một lít tại nhiều trạm. Giá xăng trung bình ở Đức vào khoảng 2 USD.
Abdellatif Helaoui, nhân viên y tế 28 tuổi ở Paris, lái xe 25 km mỗi ngày để đi làm. "Tôi chi khoảng 219 USD mỗi tháng cho tiền xăng. Chúng tôi có lẽ phải hy sinh thứ khác bù vào, kỳ nghỉ chẳng hạn", anh nói.
Tại một cây xăng ở Frankfurt, Đức, Alexandra Koch quả quyết cô sẵn sàng hy sinh tài chính cá nhân để giúp đất nước giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga.
"Nếu chịu mức giá này mà có thể giúp chúng tôi độc lập khỏi nhiên liệu Nga thì tôi sẵn lòng chấp nhận", người phụ nữ 37 tuổi nói trong lúc đổ đầy bình chiếc SUV của mình.
Marco Senfter, nhân viên pha chế 39 tuổi, đã cất ôtô vào nhà để xe và thay vào đó sử dụng phương tiện giao thông công cộng. "Thêm gần 33 USD một lần đổ xăng thực sự gây tổn thất lớn cho tôi", anh chia sẻ.
Tại Australia, nông dân và các nhà khai thác vận tải đang đau đầu trước nguy cơ giá nhiên liệu thậm chí còn tăng cao hơn nữa sau khi Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga. Giá dầu đã tăng 7% sau khi tin tức được công bố.
Chủ tịch hội nông dân trồng ngũ cốc bang Victoria Brett Hosking cho rằng những người nông dân sẽ tìm cách hạn chế sử dụng nhiên liệu nhưng gia tăng chi phí là điều gần như không thể tránh khỏi.
"Có những việc như gieo hạt, bón phân, phun thuốc diệt cỏ, chúng ta vẫn phải dùng đến dầu diesel", ông nói. "Nó khiến chi phí của nông dân bị đội lên rất nhiều, rủi ro vì thế cũng tăng theo trong mùa vụ năm nay".
Theo Hosking, giá nhiên liệu cao cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến những người dân nông thôn có thu nhập thấp.
"Chúng ta phải nhớ rất nhiều người có điều kiện kinh tế xã hội thấp sống ở các vùng nông thôn", ông cho biết. "Họ không có phương tiện giao thông công cộng với giá cố định và được trợ giá như ở đô thị, trong khi họ vẫn phải mua hàng tạp hóa, đưa con cái đến trường và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe".
Machallie McCormack, quản lý cấp cao của công ty sản xuất ngũ cốc iGrain, Australia, dự đoán những người nông dân sắp tới sẽ phải tính toán rất kỹ về sử dụng nhiên liệu.
"Với máy móc mà chúng tôi đang sử dụng, tiết kiệm nhiên liệu trở thành yêu cầu thiết yếu", bà nói. "Nên đi phun thuốc bao nhiêu lần? Chúng tôi sẽ phải cân nhắc cẩn thận trước những câu hỏi như thế".
McCormack cho hay dù giá ngũ cốc hiện ở mức cao, tỷ suất lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào."Chúng tôi cần đạt được giá ngũ cốc xuất xưởng vào khoảng 300 USD để trang trải các chi phí tăng thêm và đảm bảo chúng tôi vẫn có lãi", bà giải thích.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Australia David Smith lưu ý chi phí nhiên liệu tăng sẽ đẩy giá sản phẩm trên các kệ siêu thị lên.
Theo ông, giá nhiên liệu vốn đã cao trước cả khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
"Khi chưa có giao tranh, giá nhiên liệu tăng đã làm tăng chi phí kinh doanh vận tải khoảng 4,3%", Smith cho hay. "Chúng tôi hiểu rõ rằng xung đột sẽ tiếp tục đẩy giá lên. Vậy nên tôi nghĩ rằng có một hồi chuông cảnh báo đang rung lên ở những vùng nông thôn của Australia".
Trong 5 tháng qua, Anna Hokuf đã sống trong xe hơi với con mèo của mình sau khi bỏ nhà đi vì bị ngược đãi. Chỉ làm những công việc thời vụ lặt vặt nên việc thuê một căn hộ là điều vô cùng khó khăn đối với cô gái 19 tuổi. Giờ đây, khi giá xăng tăng cao, hy vọng của cô trở thành bất khả thi.
"Tôi không tiết kiệm được nhiều tiền và giá xăng tăng cao thực sự khiến người vô gia cư như tôi chật vật", Hokuf, hiện sống tại khu vực Lehigh Valley, Pennsylvania, Mỹ, cho biết. "Tôi phải thường xuyên nổ máy xe để giữ ấm cơ thể và giữ ấm cho cả con mèo, hao rất nhiều xăng".
Ở Michigan, một phụ nữ trẻ giấu tên sống bằng nghề giao đồ ăn và hàng tạp hóa thông qua ứng dụng điện thoại, chi khoảng 10, 15 đến 100 USD mỗi ngày cho tiền xăng.
Cô đã sống trong xe hơi từ cuối tháng 12 sau khi mất việc vào tháng 9 và không có đủ tiền thuê căn hộ. "Việc phải chạy không tải để sưởi ấm chắc chắn sẽ khiến tôi tiêu tốn nhiều xăng hơn", cô nói. Cô tắm rửa bằng cách vào phòng gym.
"Tôi không có điểm tín dụng tốt, vì vậy mua nhà hiện nằm ngoài khả năng của tôi. Bên cạnh đó, tiền thuê nhà cũng đang tăng chóng mặt nên tôi không thể chi trả nổi".
Louie Vashiomiattii ở Auburn, Washington, sống trong chiếc xe van của mình khoảng hai tháng trước, khi chủ nhà rao bán căn hộ anh đang thuê. Anh không thể chuyển đến nơi ở mới vì giá thuê đã tăng quá cao.
Giá xăng "là thứ khiến tôi phiền não nhất mỗi ngày", Vashiomiattii nói. "Tôi không lường được mình sẽ tốn bao nhiêu tiền xăng khi chuyển vào sống trong xe". Cách đây một tuần, anh chi khoảng 40 USD tiền xăng mỗi ngày, đa phần trong số đó dùng để bật điều hòa sưởi ấm của xe.
Ben Valdez, tài xế công nghệ bán thời gian ở Los Angeles, California, đã phải giảm số giờ làm việc."Khi xăng tăng giá và nhu cầu khách hàng giảm, tôi không còn tìm thấy lý do để chạy xe nữa", Valdez nói. "Nhiều tài xế đã bắt đầu cảm thấy chông chênh. Bơm xăng bây giờ thực sự quá đắt đỏ".
Vũ Hoàng (Theo AFP, ABC News, Guardian)