Việc bỏ phố về quê của tôi xảy ra trong hoàn cảnh chán chường vì vừa chia tay mối tình bốn năm. Lại sẵn tâm lý chán việc đã lâu ngày, tôi xin nghỉ làm ở thành phố và về quê sống một thời gian.
Thêm lý do lớn nhất là ba mẹ chỉ có mỗi mình tôi là con trai, chị gái lại đi lấy chồng xa, nên xác định ngôi nhà, vườn tược và đất ruộng sẽ thuộc về tôi. Lúc đó tôi nghĩ rằng trước sau gì cũng về, thôi thì ngay lúc này về ở một thời gian xem sau. Coi như lâu lâu thay đổi môi trường sống, refresh- làm mới lại tinh thần xem sao.
Một tháng đầu tiên là chuyện hoà nhập vào lối sống ở quê. Dịp Tết, lễ về nhà chỉ độ vài ngày, một tuần rồi đi ngay nên chuyện bắt nhịp cuộc sống ở quê là điều không cần thiết. Còn về quê ở lâu ngày thì phải tập dần để thích nghi lại. Do ở thành phố đã quen nên phải học lại cách sinh hoạt, cứ như người từ nước ngoài về.
>> Lên Đà Lạt ở nửa tháng, tôi bỏ ý định về quê sống chậm
Ở quê chỗ tôi, các gia đình chiều ăn cơm xong từ lúc chạng vạng, lúc gà bắt đầu vào chuồng. Khi hết chương trình thời sự 19h, các nhà lác đác tắt đèn đi ngủ hết. Đoạn đường trước cửa nhà tôi vừa được gắn thêm bóng đèn chiếu sáng loại huỳnh quang (chứ không phải bóng cao áp chiếu sáng màu vàng như trên phố) nên con đường lúc mờ, lúc ảo trông rất buồn bã.
Bạn có tin không, các quán cà phê, quán ăn mở đến 21h là tối đa, sau giờ đó thì chẳng còn ai ngoài đường nữa. Buổi sáng thì 4-5h các gia đình đã thức để bắt đầu ngày mới. Nếu vào mùa thu hoạch lúa, có khi phải thức từ 2-3h để chuẩn bị. Nói chung là bạn nào muốn về quê sống chậm các kiểu, thì phải chuẩn bị tâm lý thật kỹ. Nếu vì lý do buồn phiền công việc, tình cảm gì đó thì nên đi du lịch, đi phượt cho vui. Chứ về quê thì chỉ buồn thêm thôi.
Rồi đến phần công việc hằng ngày, do gia đình tôi neo người nên ruộng lúa đều mướn người làm hết. Chỉ mỗi việc chọn mua lúa giống và ngâm giống là ba tôi và tôi làm. Các khâu rải lúa giống, xịt thuốc, rải phân, cấy đều thuê. Kể cả công đoạn thu hoạch, chủ nhà cũng không phải nhúng tay gì. Đến ngày thì gọi máy gặt đập vào cắt và có thương lái thu mua tại chỗ luôn. Nói chung là làm lúa bây giờ ít tốn sức hơn trước. Tuy nhiên do bỏ ra nhiều chi phí thuê mướn nên bù lại phần lợi nhuận không cao.
Tôi đề nghị với ba là sao không trích một phần đất ra để làm đầm trồng sen hay củ ấu... Ông vội cười rồi nói: "Bây giờ đầu tư mấy chục triệu phá ruộng làm đầm, mua giống, tìm hiểu cách thức trồng, chăm sóc... rồi thu hoạch bán cho ai?". Như vậy, nông nghiệp của chúng ta đang lẻ tẻ và thiếu liên kết khiến người dân không mặn mà việc thay đổi cơ cấu cây trồng.
Tôi đề nghị vườn nhà mình cũng rộng, chỉ trồng bưởi và cam cũng uổng. Sao không trích đất ra để nuôi thêm mấy giống vật nuôi lạ lạ như chim cút, heo rừng... Ba tôi cũng cười và nói: "Xóm này ai cũng thử qua rồi. Chỗ anh Tư con bác Ba mày cũng nuôi thả heo rừng, nó ủi phá chết cả vườn rau. Heo rừng lâu không có lãi, mày đừng tin mấy bài viết nông dân làm giàu, trăm người có một chứ đâu phải ai bung ra làm là giàu đâu".
Như vậy, tôi nghĩ số người làm giàu từ nông nghiệp là có, nhưng phải chịu khó và mày mò nghiên cứu. Còn số đông còn lại không mạnh dạn, không dám làm và ngại thay đổi, chuộng lối sống như trước giờ.
Tôi có gửi tiền cho má mua hai chục gà con để thả vườn, nhưng má tôi nói nuôi gà khó hơn nuôi vịt. Thế là tôi thử sức chăm bầy vịt hai chục con. Cũng may tôi mát tay, không con nào bị chết. Nhưng để biến vịt con thành vịt thịt được thì cả quá trình, công sức bỏ ra cũng rất đáng kể.
Và sau đợt tết 2018, tôi quyết định balo khăn gói lên lại thành phố để hoà mình vào cuộc sống hối hả, nhộn nhịp. Gần một năm thử sức ở quê khiến tôi nhận ra mình không còn hợp với nơi này, dù tôi cũng xuất thân từ nông thôn.
>> Tôi ngăn em trai về quê làm nông với 400 triệu đồng
Chuyển lối sống từ làm việc văn phòng sang chăn nuôi trồng trọt là điều không dễ dàng. Sau này, khi ba mẹ già, có lẽ lúc đó tôi đủ tiền mua chung cư thành phố rồi rước họ lên ở. Còn nếu họ không chịu thì có lẽ tôi cũng sẽ dắt díu vợ con về đó ở để chăm sóc ông bà. Nhưng lúc đó có lẽ ở trong tâm thế đã khác dù tôi cũng không biết vợ con tương lai của tôi có chấp nhận về quê sống hay không nữa.
Vài lời chia sẻ với các bạn, anh chị muốn về quê sống và làm nông để đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn. Tránh việc đi rồi lại về, về rồi lại đi, nhất là với những người đã có gia đình.
Tuấn Thành
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.