Ngày 24/3, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương bắt quả tang một cơ sở tiêm thuốc an thần vào hàng trăm con heo trước khi giết mổ để tăng trọng thịt. Lực lượng chức năng thời gian qua cũng nhiều lần phát hiện các cơ sở sử dụng hóa chất tạo nạc trong chăn nuôi heo. Kết quả kiểm tra cho thấy, các hóa chất này thuộc họ Beta Agonist, phổ biến nhất là hoạt chất salbutamol, được xếp vào danh mục chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Các chuyên gia cảnh báo người ăn thịt heo tồn dư salbutamol một thời gian dài có thể dẫn đến ngộ độc, bệnh mạn tính, thậm chí tử vong. Salbutamol lại là hoạt chất được dùng trong ngành y tế và mới đây được Bộ Y tế đề nghị đưa vào danh mục kiểm soát đặc biệt.
Bác sĩ Nguyễn Chí Thành, Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn cho biết, trong lĩnh vực y tế thuốc salbutamol (Ventolin) được dùng để điều trị cơn hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phế quản mạn tính... Theo quy định, loại thuốc này được quản lý nghiêm ngặt từ khâu bào chế đến lưu thông bởi nếu sử dụng quá liều lượng sẽ rất nguy hiểm.
Trong y tế, các bác sĩ sử dụng salbutamol dưới nhiều dạng khác nhau như thuốc uống, khí dung, tiêm tĩnh mạch. Chất này có trong các toa thuốc với tên thương mại thường gặp là Ventolin, Ventolin Accuhaler, Ventolin Evohaler, Ventolin Nebules, Ventolin Respirator solution, Salapin, Volmax, Ventmax SR, Salamol, Salamol Steri-Neb, salbutamol Cyclocaps, Pulvinal Salbutanol, Easyhaler salbutamol, Airomir, Asmasal Clickhaler, Salamol Easi-Breathe, Salbulin Novolizer…
Hiện nay tại Việt Nam, nhiều người chăn nuôi sử dụng salbutamol trộn vào thức ăn nhằm thúc heo nhanh lớn, nhiều nạc, dễ bán, nhờ đó tăng lợi nhuận. Do không nhận thức rõ mối nguy hiểm nên họ bơm salbutamol cho heo với liều lượng cao hơn gấp 5-10 lần so với liều được phép dùng trong điều trị y tế. Theo phân tích, hai chất này khi hấp thụ vào cơ thể động vật sẽ điều tiết quá trình sinh trưởng, thúc đẩy hình thành cơ bắp, phân giải mỡ nhanh. Thịt heo được nuôi bằng chất này sẽ siêu nạc và lớp mỡ rất mỏng.
Thông thường người chăn nuôi dùng salbutamol đến tận lúc heo xuất chuồng. Việc mổ lấy thịt ngay sau khi bơm thuốc dẫn đến lượng salbutamol tồn dư trong thịt lớn hơn rất nhiều so với liều lượng được phép dùng điều trị bệnh cho người. Việc ăn thịt heo có salbutamol liều cao sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt ở những người đang bị các bệnh lý cường giáp, rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim tắc nghẽn, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường...
Nghiên cứu cho thấy các dạng salbutamol có nhiều khả năng tác động đến cơn co tử cung nhất là trong 3 tháng đầu mang thai. Do vậy có nguy cơ dọa sảy thai. Chất này cũng được chứng minh gây quái thai ở chuột khi tiêm dưới da với liều tương ứng gấp 14 lần liều khí dung ở người.
Trong trường hợp hấp thu salbutamol quá liều sẽ dẫn đến ngộ độc. Tùy theo mức độ nặng nhẹ có thể biểu hiện một số các triệu chứng như khó chịu, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, bồn chồn, run các đầu chi, tim đập nhanh, loạn nhịp tim, biến đổi huyết áp, co giật, có thể hạ kali huyết...
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, khuyên người tiêu dùng nên chú ý khi mua thịt heo để tránh bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ông hướng dẫn nhận biết thịt heo được nuôi bằng hóa chất tạo nạc qua một số đặc điểm sau:
- Khi còn sống, heo đi đứng nặng nề, thậm chí không đứng nổi.
- Sau khi giết mổ, thịt heo màu đỏ như thịt bò, lớp mỡ rất mỏng, chỉ dưới một cm. Còn thịt heo bình thường có màu hồng tự nhiên, lớp mỡ dày từ một cm trở lên.
- Chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ lỏng lẻo, thường rỉ nước dịch màu vàng, khi luộc có thể ngửi thấy mùi hóa chất.
Bơm thuốc an thần cho heo trước khi đưa vào lò mổ
>> Xem thêm: Ăn thịt heo siêu nạc dễ dẫn đến bệnh nan y
Thịt heo tại TP HCM có tồn dư thuốc an thần
Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net