Salbutamol là hoạt chất sử dụng làm thuốc điều trị cho người từ nhiều năm nay song thuộc danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi. Năm 2015, khi có thông tin về việc salbutamol có khả năng bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu tạm ngừng nhập khẩu.
Nhằm kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu này, Bộ Y tế đề xuất đưa vào luật Dược sửa đổi khái niệm "thuốc phải kiểm soát đặc biệt", trong đó bổ sung thêm các nguyên liệu, thuốc bị cấm sử dụng trong lĩnh vực khác như salbutamol trong ngành nông nghiệp". Luật Dược năm 2005 quy định thuốc phải kiểm soát đặc biệt bao gồm thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ.
Theo ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, thuốc thuộc danh mục cần kiểm soát đặc biệt được quản lý chặt chẽ. Các cơ sở kinh doanh thuốc phải đáp ứng điều kiện về đảm bảo an ninh, đảm bảo kiểm soát không để xảy ra thất thoát hay sử dụng trái mục đích phòng bệnh, chữa bệnh. Cơ quan quản lý kiểm soát đường đi của thuốc trong hệ thống phân phối, sử dụng thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm liên quan đến thuốc phải kiểm soát đặc biệt cũng nặng hơn rất nhiều so với thuốc thông thường.
"Nếu luật Dược sửa đổi được thông qua với quy định đưa salbutamol vào danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt, Bộ Y tế sẽ kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, phân phối và sử dụng. Việc cấp phép nhập khẩu sẽ căn cứ vào báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất, tồn kho…", ông Đông nói.
Các thuốc thành phẩm chứa chất salbutamol được sử dụng trong ngành y tế chủ yếu ở khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính...
Ở Việt Nam, nhiều người chăn nuôi sử dụng salbutamol trộn vào thức ăn nhằm thúc heo, bò nhanh lớn, nhiều nạc, dễ bán, nhờ đó tăng lợi nhuận. Gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện mẫu thịt lợn tồn dư chất cấm salbutamol. Chất này khi hấp thụ vào cơ thể động vật sẽ điều tiết quá trình sinh trưởng, thúc đẩy hình thành cơ bắp, phân giải mỡ nhanh. Hiện chất này bị cấm dùng trong chăn nuôi trên toàn thế giới do có thể gây biến chứng ung thư.
Loại thịt lợn nhiễm chất tạo nạc thường có màu đỏ như thịt bò, không còn mềm mại (thịt lợn bình thường có màu hồng tự nhiên và mịn), khi nấu bị mất chất béo và mùi vị không thơm ngon. Loại thịt này cũng tích nước nhiều, thịt có độ ẩm cao, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, độ săn chắc kém.
Phương Trang