Mấy năm nay, tôi thực hành lì xì đồng giá. Cứ đầu tháng Chạp, là tôi săn mối đổi tiền mới mệnh giá 10 và 20 nghìn đồng. Con cháu trong nhà hoặc của khách, tôi đều mừng tuổi đồng giá 20 nghìn đồng để lấy lộc. Tại sao phải khổ sở chia ra thân - sơ, nhìn mặt mừng tuổi?
Những năm đầu tiên thực hành lì xì đồng giá, tôi không ít lần mang tiếng keo kiệt: người lớn không vui, trẻ nhận lì xì cũng không hào hứng.
Nhưng tôi để ý rằng, trẻ con dù cho cuộc sống hiện đại, chúng cũng rất vô tư. Nhưng khi nhìn vào nét mặt, lời nói của bố mẹ mà sinh ra so bì "cái ruột phong bao lì xì cũng tờ tiền màu xanh, nhưng là 20 nghìn đồng chứ không phải 500 nghìn đồng".
Khi đọc bài viết Rước nợ nần vào người với bao lì xì 500 nghìn đồng, tôi thấy tác giả đang hiểu và thực hành một cách sai lệch của phong tục lì xì cho con trẻ đầu năm.
Khi dùng từ "nợ nần", tức là tác giả đã tiếp cận từ góc độ danh dự và hình thức, trong khi việc lì xì, nếu bỏ qua giá trị kim tiền, thì nó mang ý nghĩa mừng tuổi, chúc trẻ con may mắn đầu năm.
Đọc những bài viết khác trong những năm qua và cách một số người phản ứng với việc làm của tôi, tôi cho rằng nhiều người đang nhầm lẫn, ý nghĩa của lì xì là nằm ở phong bao màu đỏ, in nhiều câu chúc may mắn, chứ không phải là "cái ruột" bên trong.
Nhiều người sợ mang tiếng keo kiệt, nên cố gắng bỏ bao lì xì càng "nặng" càng tốt, rồi lại than thở. Đôi khi, để chỉnh sửa một phong tục hàm ý tốt đẹp nhưng bị biến tướng, phải cần nhiều người tiên phong, dũng cảm.
Minh Hòa
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.