Đam mê vật lý từ nhỏ, anh Sơn đặc biệt hứng thú với việc sử dụng công nghệ và ánh sáng để tạo ra những sản phẩm mắt thường khó thấy. Năm lớp 7, anh tự chế tạo một thấu kính khúc xạ từ ống nước và những cặp kính. Cũng từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu sâu về thiên văn, các vì sao và vũ trụ... "Càng tìm hiểu tôi càng bị cuốn vào những tinh vân, những thiên hà", Sơn, 30 tuổi, chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, khác với bạn bè cùng trang lứa, mục tiêu của Sơn là được sở hữu chiếc kính thiên văn chính hiệu. Sau khi đi làm, tiết kiệm được số tiền kha khá, anh thay đổi mục tiêu sang xây một đài thiên văn cho riêng mình.
Năm 2019, Sơn bắt đầu hiện thực hóa ước mơ bằng việc lên danh sách nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài về và phác thảo thiết kế. Anh và đội thi công đã mất ba tháng tính toán mới ra phương án tối ưu cho việc xây dựng. Tất cả các đài thiên văn nghiệp dư ở Việt Nam đều sử dụng mái trượt để giảm chi phí, riêng Sơn sử dụng mái vòm xoay. "Mái vòm xoay ngoài việc khắc phục được giới hạn tầm nhìn của kính thiên văn, còn chắn gió tốt, bảo vệ các thiết bị trong đài và giảm được tác động ô nhiễm ánh sáng", Sơn nói. Riêng phần mái vòm được anh đặt mua từ Canada hết 130 triệu đồng.
Thi công xong phần thô, hàng loạt phụ kiện chuyên dụng được nhập về từ Anh, Mỹ, Canada, Australia. Thiên văn là bộ môn đòi hỏi tính chính xác cao, các thiết bị phải được lắp đặt với sai số tối đa cho phép đưới 0,1 mm nên mọi thao tác đều rất cẩn trọng và tốn nhiều thời gian.
Việc vận hành đài thiên văn cũng rất phức tạp vì cần sự đồng bộ của nhiều thiết bị. Kiến thức vận hành Sơn phải liên tục học và nghiên cứu bổ sung. Sau hai năm xây dựng, đài thiên văn đi vào hoạt động từ đầu năm 2021, chàng trai này cũng phải bổ túc thêm kiến thức về điện tử và lập trình để tự chế ra một trạm thời tiết gồm camera 170 độ quan sát bầu trời, máy đo nhiệt độ, áp suất môi trường, cảm biến ánh sáng đo độ ô nhiễm ánh sáng... Trạm này giúp giảm rủi ro hư hỏng thiết bị do trời mưa, cũng như cung cấp thêm thông tin thời tiết để hỗ trợ cho việc vận hành đài thiên văn. Quá trình tự nghiên cứu và chế tạo trạm thời tiết mất gần một năm.
"Lúc đầu tôi chỉ định xây đơn giản, có chỗ để cái kính là được", Sơn nói. Trong quá trình tìm tòi, anh nhận ra bộ môn thiên văn học tại Việt Nam chưa được chú trọng, nhiều bạn trẻ yêu thích nhưng không có điều kiện tiếp cận nên đam mê dần tắt. Bởi vậy Sơn quyết định dù chỉ là nghiệp dư cũng cần trang bị đầy đủ thiết bị.
Sơn cho biết, ngay từ đầu, mục đích xây đài thiên văn là chụp ảnh tinh vân và thiên hà. Để có được một bức ảnh thiên văn hoàn chỉnh, anh mất nhiều đêm thức trắng. Ví dụ khi chụp Tinh vân Lạp Hộ cách Trái Đất 1.600 năm ánh sáng, Sơn mất 30 đêm với tổng thời gian phơi sáng là 26 giờ.
"Điều tiên quyết với người chơi thiên văn là phải kiên trì", Sơn nói.
Ngoài tính thẩm mỹ, ảnh thiên văn còn phải dựa trên những nguyên tắc khoa học và tiêu chuẩn được thế giới công nhận, không dùng phần mềm tô vẽ thêm. Điều kiện lý tưởng để chụp ảnh thiên văn là trời hoàn toàn không có mây và trăng không quá sáng, trong khi phần lớn thời gian trong năm, thời tiết Việt Nam không ủng hộ. Bởi vậy đài thiên văn của Sơn chỉ sử dụng được 20-30 ngày trong năm, thường vào tháng 2 hoặc tháng 3.
Tương lai chàng nhân viên văn phòng muốn xây một đài thiên văn lớn hơn, ở nơi ít ô nhiễm ánh sáng hơn. "Thiên văn học là lĩnh vực con người chưa tìm hiểu hết. Tôi mong muốn sau này người Việt Nam sẽ tìm ra và đặt tên cho một vật thể nào đó ngoài vũ trụ", Sơn nói.
Hải Hiền