Năm 2008, Đổng Hoài Lợi, chuyển nhà từ quê ra thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, làm lao động tự do. Bà Vương Tố Trân (mẹ Đổng Hoài Lợi) có một sạp sửa chữa quần áo ở đó. Trước đây, bà thường mang quần áo về nhà làm thêm, anh Đổng thường giúp mẹ nên có chút kinh nghiệm về khâu vá.
Năm 2011, vợ mang thai, áp lực kinh tế khiến anh phải tìm kiếm việc làm ổn định. Thử nhiều nơi nhưng Đổng Hoài Lợi không được nhận. Cuối cùng, chàng trai đề xuất nối nghiệp khâu vá của mẹ. Tuy vậy, Đổng bắt đầu do dự bởi "dù sao cũng là đàn ông, ra đường ngồi thêu thùa thì thật xấu hổ". Người vợ hiểu tâm tư nên cùng chồng ra ngoài mở sạp hàng ở một trung tâm mua sắm. Trong số nhiều người làm cùng công việc ở đó, duy nhất anh là đàn ông.
Khách hàng đầu tiên của Đổng là một ông lão nhờ sửa chiếc áo len thủng lỗ. Sau một lúc, anh kiếm được 20 tệ (70.000 đồng). "Lúc đó tôi rất hạnh phúc, cầm ngay tiền mua đồ ăn vặt cho vợ". Tuy vậy, có những hôm ngồi từ sáng tới tối chẳng có khách nào.
Sau vài tháng, Đổng Hoài Lợi nhận thấy khách hàng đa phần là phụ nữ 30-40 tuổi, những người có gu thẩm mỹ nhất định. Nhiều người nhờ anh sửa đồ hiệu. Công việc này không chỉ là may vá đơn thuần mà giống như một cuộc phẫu thuật để lại ít sẹo nhất cho bệnh nhân, đòi hỏi tay nghề tỉ mỉ và tinh xảo. Những khách hàng này thường không quan tâm tới giá cả, họ chỉ coi trọng chất lượng. Dưới sự hướng dẫn của mẹ, tay nghề của người đàn ông này ngày một nâng cao. Những khách hài lòng lại giới thiệu bạn bè nên Đổng luôn có nguồn khách ổn định.
Người đàn ông tâm sự, trong giai khởi nghiệp, anh đã nhiều lần nghĩ đến việc bỏ cuộc, bởi vừa không kiếm được nhiều tiền, lại bị thiên hạ soi mói, dè bỉu, coi thường.
Có chút tiếng tăm nhờ tay nghề khá, nhưng Đổng Hoài Lợi chưa từng nghĩ một ngày mình sẽ nổi tiếng trên mạng như hiện nay.
Mọi việc bắt nguồn từ một lần, có vị khách liên lạc, đưa ra thù lao hàng chục nghìn tệ, mời mẹ con anh đến thành phố Thanh Đảo giúp ông sửa chiếc xe thể thao mui trần BMW.
"Chiếc xe đó là loại giới hạn, cả thế giới chỉ có 20 chiếc. Lớp vải trùm mui xe bị khoét một vài lỗ. Cửa hàng xe hơi nói rằng phải thay toàn bộ, tốn rất nhiều tiền", Đổng kể khách hàng đã tìm đến anh qua một người quen.
Anh thợ khâu vá dành nhiều giờ để nghiên cứu kết cấu của vải trùm đầu xe, sau đó sử dụng 3-4 loại chỉ đen với độ dày khác nhau để thêu từng sợi một dọc theo đường ngang ban đầu của vải. Quá trình thao tác, hai mẹ con phải đứng hàng giờ trên một chiếc ghế đẩu. Sau khi xe sửa xong, vị khách rất hài lòng bởi không ai có thể phát hiện vết thủng cũ trên mui xe.
Tiếng tăm của Đổng bắt đầu được chú ý. Sau đó anh có hàng chục lần vá những chiếc xe hạng sang giống như vậy, thu hút sự quan tâm của truyền thông trong và ngoài nước. Dựa vào thu nhập của công việc này, năm 2016, Đổng Hoài Lợi đã mua được một căn nhà ở Hàng Châu theo hình thức trả góp.
Là bố của hai đứa trẻ, nên người đàn ông này hiểu trách nhiệm của người bố với sự phát triển của con cái nên bận tới đâu anh đều dành thời gian để chơi với con và dạy con học.
"Ngày nào ở trung tâm mua sắm, tôi cũng chứng kiến những shipper vội vã giao hàng, những người gọi điện mượn tiền nhưng chẳng ai cho vay, rồi những cặp đôi ăn mặc đẹp đẽ nhưng thường xuyên cãi vã... Tôi nhận ra bản thân thật may mắn khi có công việc tốt và một gia đình hạnh phúc", Đổng nói.
Vy Trang (Theo qq)