Để giúp các gia đình lựa chọn trang phục cho người thân đã khuất, Fang Fang 30 tuổi trở thành "người mẫu vải liệm" bán thời gian. Cô thử tất cả các loại quần áo được thiết kế cho người chết, từ Hán phục truyền thống đến những bộ đồ hiện đại và chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội.
Với Fang, đây là công việc thể hiện sự tôn trọng với người đã lìa đời.
"Nhiều khách đến cửa hàng tang lễ không dám chạm vào quần áo bởi đó họ coi đó là điều cấm kỵ", cô chia sẻ. "Nhưng phải có ai đó xử lý quần áo chứ. Tôi thử trang phục để các gia đình xem ổn không. Họ cũng có thể tìm ra các lỗi cần sửa".
Fang quê ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc. Nghề chính của cô là hộ tang. Trong khi nhiều người làm công việc này vì không thể tìm được công việc "bình thường", Fang xác định đây là con đường mình theo đuổi ngày từ khi tốt nghiệp ngành quản lý nghĩa trang năm 2013. "Bố tôi đã cảnh báo đừng hối hận. Tôi trả lời rằng mình sẽ không bao giờ hối hận", Fang nhớ lại.
Thông thường, trong một ngày làm việc, Fang làm sạch cơ thể, trang điểm và mặc đồ cho người chết. Cô yêu thích nghề hộ tang bởi nó đem tới sự an ủi. "Một số người chết với khuôn mặt nhăn nhó. Khi dùng bàn tay của mình để giúp họ trông thanh thản hơn, tôi cảm thấy hạnh phúc. Gia đình của họ cũng cảm kích điều đó", Fang chia sẻ.
Gần đây, việc Fang làm mẫu các bộ đồ cho người chết dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. "Cô nên nằm xuống, như thế sẽ giống người chết hơn", một người bình luận. "Cô chẳng biết xấu hổ gì cả", người khác lên án. Đáp lại những lời chỉ trích, Fang chỉ cười: "Họ có thể nói bất cứ thứ gì họ muốn. Tôi sẽ sống là chính mình".
Định kiến về nghề hộ tang xuất phát từ niềm tin của người Trung Quốc rằng tiếp xúc với cái chết đem lại vận rủi.
"Một số bạn học cũ của tôi rất ngạc nhiên khi tôi tiết lộ nghề nghiệp của mình. Họ hỏi tại sao tôi lại chọn nghề này, tại sao không chọn nghề khác và liệu tôi có cảm thấy thua kém những người khác không", Fang chia sẻ. Cô thừa nhận đã lo sợ khi mới bắt đầu làm việc, ngay cả khi có một tiền bối hỗ trợ.
"Hôm ấy, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi chưa bao giờ chạm vào xác chết. Tôi cứ lo lắng một cách điên rồ rằng xác chết sẽ đột nhiên ngồi dậy", nữ nhân viên hộ tang kể. "May mắn, đó là một cụ bà ra đi thanh thản nên tôi không hề sợ hãi".
Trải nghiệm tốt trong buổi đầu làm hộ tang khiến Fang vững lòng. "Những lần sau, tôi đã bớt căng thẳng", cô nói.
Trong thời gian hành nghề, Fang đã nhìn thấy cái chết dưới đủ hình thức. Với cô, điều tệ nhất là khi chứng kiến những đứa trẻ mất bố mẹ hoặc bố mẹ làm tang lễ cho con cái.
Một lần, Fang làm hộ tang cho một bà mẹ qua đời ở tuổi 30 vì ung thư, bỏ lại đứa con gái mới ba tuổi. Khi tới nhà người phụ nữ này để lấy ảnh, Fang thấy chồng cô này đang khóc còn đứa trẻ chào hỏi một cách bình tĩnh, ngoan ngoãn. "Nó bảo tôi ngồi xuống để cùng chơi vì chẳng biết điều gì đang diễn ra. Tôi đã òa khóc", Fang nhớ lại.
Những năm gần đây, sự kỳ thị đối với người hộ tang đã giảm đi rất nhiều, một phần do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng của Trung Quốc. Số người chết hàng năm ở nước này liên tục tăng. Kết quả, dịch vụ tang lễ cũng phát triển. Theo công ty nghiên cứu thị trường Qianzhan, tổng doanh thu ngành này từ 139,5 tỷ tệ năm 2013 đã lên 263,8 tỷ tệ năm 2020.
Bên cạnh đó, nhiều thanh niên đã đem lại sự đổi mới cho ngành dịch vụ tang lễ. Theo Fang, so với các nghi lễ truyền thống, những người hộ tang trẻ thường tạo ra những cuộc chia ly riêng tư, tình cảm hơn cho gia đình và người đã khuất.
"Ví dụ, thay vì nhạc đám tang truyền thống, các gia đình giờ đây được khuyến khích chọn loại nhạc mà người đã mất từng yêu thích", Fang cho biết. "Như thế, buổi lễ sẽ ấm áp hơn chứ không chỉ toàn nỗi buồn".
Mạng xã hội cũng cho công chúng cơ hội hiểu và nhìn nhận đúng hơn về công việc của những người như Fang.
Luo Liang, một trong các fan theo dõi Fang trên mạng xã hội, trân trọng thái độ sống của nữ nhân viên hộ tang. "Nhờ cô ấy, chúng tôi trân trọng cuộc sống và yêu gia đình hơn", Liang bày tỏ. "Những gì cô ấy làm khiến người sống thêm quý cuộc đời và người chết ra đi với phẩm giá", tài khoản tên Jiu Qianqi nhận xét.
Năm ngoái, nữ hộ tang tên Ren Sainan thu hút sự chú ý vì thiết kế và làm người mẫu quảng cáo quần áo cho người chết. Trong một video, Ren kêu gọi cộng đồng đối xử với công việc của cô "một cách hợp lý" và "ngừng coi tôi như dịch bệnh".
Còn Fang chỉ đặt mục tiêu giúp đỡ mọi người vượt qua những sự kiện khó khăn trong đời. "Càng làm lâu nghề hộ tang, tôi càng yêu nó", cô nói.
Thu Nguyệt (Theo SCMP)