"Số nợ không nhiều, khoảng 100 triệu đồng, người vay hầu hết là bạn bè, anh em. Họ đã mượn nhiều năm và hầu như không có khả năng trả", anh Minh giải thích thêm về quyết định có phần gây sốc của mình, hồi năm 2019.
"Năm ngoái, tôi thông báo việc hủy nợ này với từng người liên quan, hy vọng mọi người đỡ lo lắng trong thời buổi dịch bệnh. Nhờ vậy mà tôi cũng đã không còn phải nghĩ ngợi đến nó nữa", người đàn ông hiện đã có một cậu con trai hai tuổi, chia sẻ.
Khi được thông báo, tất cả những "con nợ" của anh Minh đều ngạc nhiên. Khi biết anh còn khẳng định việc này trong di chúc của mình, mọi người còn bất ngờ hơn nữa. Một người bạn bối rối trách: "Mới ba mươi tuổi đã lập di chúc gì ông?". Một cậu em họ còn tưởng bị anh giận gì, rối rít thanh minh: "Em sẽ trả sớm". Phải sau những tin nhắn rất dài giải thích, người em mới hiểu anh mình đang nói thật.
Nội dung thứ hai trong di chúc của anh Minh liên quan tới việc từ bỏ quyền thừa kế của ba má. "Tôi sẽ không nhận, và sẽ không ủy thác bất kỳ ai, nhận bất kỳ phần thừa kế nào từ tía mẹ ruột của tôi. Nếu tía mẹ tôi chia thừa kế có phần tôi, thì con trai tôi có trách nhiệm chuyển phần thừa kế đó thành 2 phần có giá trị bằng nhau, giao cho hai người em trai của tôi toàn quyền sử dụng. Sẽ không có phương án khác nào được tôi chấp nhận.
Trường hợp con trai tôi chưa đủ năng lực thực hiện, thì vợ tôi sẽ là người thay thế thực hiện ngay khi mở di chúc hoặc ủy thác cho người khác thực hiện thay, nếu cần thiết", di chúc viết.
Là con lớn trong gia đình có ba anh em trai, anh Minh may mắn hơn hai em là được đi học, vì thế kinh tế ổn định hơn. Phần tài sản của cha mẹ anh khá khiêm tốn, chỉ gồm một căn nhà đã cũ và gần 2.000 m2 đất ruộng.
"Vì đã chứng kiến các cha chú gây gổ rất nhiều vì chuyện chia tài sản và muốn anh em không lặp lại điều đó nên mình phải tính trước một bước", anh Minh, quê gốc ở một tỉnh miền Tây, chia sẻ.
Anh Minh dành điều thứ 5 trong di chúc cho con trai. Ngoài một số bài học cuộc sống đã chiêm nghiệm được truyền lại cho con, anh mong trong tương lai con trai để ý và hỗ trợ anh em họ hàng nội ngoại. "Hồi trẻ tía vẫn làm như thế, nhưng vì khả năng tía có hạn, nên chẳng thay đổi tích cực được là bao đối với cuộc sống của những người mình yêu quý. Tía mong con sẽ thành công hơn", di chúc viết.
Toàn bộ di chúc của anh Minh không có điều nào nhắc đến tài sản anh có. Trên thực tế, người đàn ông 34 tuổi này gần như không có tài sản riêng. Minh đang làm dịch thuật tự do, còn vợ làm nhân viên văn phòng. Bao năm qua tiền dành dụm được đều đã dùng để trả nợ gia đình, bởi mẹ anh nghiện cờ bạc. Anh cũng giúp các em trai, họ hàng và bạn bè. Đến khi có con lại càng không dư giả. Dù thế, anh vẫn thấy bản thân "quá may mắn", nhất là trong đại dịch Covid-19, anh làm việc tại nhà, không bị ảnh hưởng và có thời gian chăm con.
Khi viết gần xong di chúc anh Minh mới chia sẻ với vợ. "Lúc mình nghe nói về di chúc, cũng tò mò lắm, hỏi anh viết cái gì vậy, sao lại lập di chúc lúc này. Mình kêu anh cho mình coi với. Khi được xem, những điều anh viết không làm mình bất ngờ vì mình có thể nghĩ đến và hiểu được. Anh luôn là người hài hước và sống nghĩa tình", chị Trương Thị Lan - vợ anh Minh - kể.
Trái với số đông người Việt nghĩ lập di chúc "quá sớm" là xui xẻo, anh Minh cho rằng đây là một xu hướng văn minh. Từ khi bước sang tuổi 30, anh thấy không còn sung sức như trước. Khoản thừa kế hay khoản nợ với anh chỉ là một con số vô nghĩa, không hy vọng thu hồi, cũng chẳng quan tâm.
"Bản di chúc như một con dao, tôi dùng để cắt đứt mọi ràng buộc tiêu cực với mọi người để lại trong mối quan hệ với người xung quanh chỉ là một thứ tình cảm thuần nhất", anh chia sẻ.
Luật sư Trần Minh Hùng, đoàn luật sư TP HCM, cho biết, dù không thống kê con số chính xác nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm văn phòng của anh hỗ trợ khoảng 50 người lập di chúc và độ tuổi của khách hàng ngày càng trẻ hóa. Trước đây, độ tuổi thông thường của người Việt khi lập di chúc là 60, nay đã phổ biến tuổi 40. Thi thoảng có những thân chủ mới 30 tuổi.
Văn phòng luật của ông Hùng từng tiếp nhận trường hợp một lập trình viên tên Trí, 35 tuổi, có vợ và hai con. Khách hàng này có một bảo hiểm nhân thọ, người thụ thưởng là vợ, ngoài ra còn có một căn nhà và một tỷ đồng tiền mặt. Người này lập di chúc để nhà lại cho vợ con và một tỷ đồng cho bố mẹ sau khi phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo luật sư Hùng, ngày này người dân có sự hiểu biết cao hơn về pháp luật, đồng thời, nhiều người trẻ làm vài công việc cùng lúc, dẫn đến việc họ tạo dựng được khối tài sản lớn khi còn trẻ. Họ nhìn thấy được các nguy cơ tranh chấp cũng như xu hướng xã hội hiện đại nên đã tính đến việc lập di chúc từ khá sớm.
"Các yếu tố nói trên đã góp phần làm cho những người này có cái nhìn sâu rộng hơn về bản thân và trách nhiệm với gia đình, nên họ đã bắt đầu có suy nghĩ và quyết định lập di chúc", ông Hùng phân tích.
Luật pháp quy định người từ đủ 15 tuổi đã có thể lập di chúc với sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Tuy nhiên theo quan điểm của luật sư Hùng, trừ trường hợp có lý do đặc biệt cần lập di chúc sớm, người dân nên lập từ độ tuổi 35- 40 trở đi. Đây là độ tuổi hầu hết mọi người đã tạo lập được một số tài sản nhất định, cũng như đã có suy nghĩ chín chắn, kỹ lưỡng, việc lập di chúc là cần thiết.
"Nếu lập quá sớm, sau này khối tài sản tăng trưởng, bạn sẽ phải lập một di chúc mới thay thế, gây mất thời gian, công sức", luật sư chia sẻ.
Về phần mình, anh Nguyễn Văn Minh xác định sẽ không có thay đổi gì trong di chúc nếu không có biến cố nào. Ngay đến cả cái chết, anh cũng đã chuẩn bị hết cho mình trong hai điều cuối cùng của di chúc. Anh yêu cầu đám tang của mình không cầu siêu, tụng kinh, không nhận tiền phúng điếu, hàng năm không giỗ chạp. Anh cũng đã đăng ký hiến tạng. Anh cũng yêu cầu không muốn sống đời thực vật, dù chỉ một ngày.
Phan Dương
* Tên nhân vật đã thay đổi