Gần đây, một người đàn ông ở Thượng Hải trước khi qua đời đã lập bản di chúc trong bệnh viện. Tài sản mà ông để lại cho con gái họ Ngô chỉ là một xu, phần còn lại của tài sản bao gồm nhiều bất động sản và khoản lương hưu tiết kiệm 800.000 tệ (tương đương 2,6 tỷ đồng) được dành cho người giúp việc cuối đời của mình - bà Trần.
Người đàn ông này ly hôn vợ 50 năm trước. Để có quyền nuôi con, ông đã bỏ lại hết tài sản cho vợ cũ và mang con gái ra khỏi nhà, làm bố đơn thân.
Một mình nuôi con, ông chưa từng nghĩ tái hôn vì sợ con gái khổ. Những đêm thức trắng trông con ốm sốt tại bệnh viện, ông hiểu rằng, trên đời này con gái là quan trọng nhất. "Bố sẽ luôn dành tình yêu thương tuyệt đối cho con. Bố yêu con rất nhiều", người cha nói với con gái.
Lớn lên, cô con gái ngày càng xa rời cha mình. Đến khi cô lập gia đình thì càng thêm xa cách. Mỗi tuần cô chỉ gọi điện về hỏi thăm bố một lần, đến khi cô sinh con thì cuộc gọi chỉ được tính trên tháng. Người cha vẫn rất hạnh phúc mỗi khi nhận được lời hỏi thăm đầy tính thủ tục của con gái, dù cuộc hội thoại đôi khi chỉ là "Bố khỏe không? Bố khỏe là tốt rồi. Dạo này con bận lắm, thế thôi bố nhé...".
Sống cách nhà bố một tiếng đi xe nhưng một năm cô con gái chỉ đảo qua đôi ba lần. Khi người bố do tuổi cao sức yếu phải nằm viện, cô nói rằng công việc không cho phép và thuê bà Trần chăm sóc. Tất cả mọi việc như vệ sinh cá nhân, ăn uống, trò chuyện... những ngày cuối đời của ông chỉ có một mình bà Trần giúp đỡ.
Trong lá thư gửi con gái trước khi qua đời, người cha viết:
"Một mình cha cô đơn trong bệnh viện, nhìn những người nằm cạnh có con cháu đến thăm tới tấp mà lòng quặn đau, mong con gái quá. Con cũng quá giang được 2 lần vào thăm bố nhưng lần nào cũng vội. Mấy ngày sau thì cô Trần được cử đến làm bảo mẫu cho người cha già này. Trái tim bố đã khô héo vì cô đơn và bị con cái bỏ mặc, con gái ơi".
3 tháng kể từ ngày bà Trần được cử đến chăm sóc, người cha qua đời. Trước khi ra đi ông để lại di chúc với lời nhắn con: "Thời gian qua bố đã ngẫm ra được nhiều điều. Dù sao cũng cảm ơn con đã thuê cho bố được người bảo mẫu tốt. Tiền thuê nhà ở Thượng Hải quá đắt, bố quyết định để lại nhà cho cô Trần tốt bụng, tiền tiết kiệm của bố không nhiều nhưng đủ cho con lấy chồng và sinh con, giờ chỉ còn hơn 800.000 tệ lương hưu, để cho cô nốt vậy. Con à, lòng hiếu thảo của con chỉ đáng giá một tệ".
Câu chuyện này sau đó trở thành chủ đề được bàn tán rất nhiều tại quốc gia đông dân nhất thế giới, nơi tỷ lệ người già sống cô đơn ngày càng nhiều.
Nhiều người trẻ cho rằng, cách hành xử của người cha không đúng, bởi "nước mắt chảy xuôi", dù con cái thế nào thì cũng là con ruột mình, nên bỏ qua mọi chuyện mà chấp nhận thực tế. "Cô ấy cũng đã thuê bảo mẫu đến chăm sóc rồi. Nếu bỏ công việc để chăm sóc cha thì ai sẽ nuôi con cô ấy?", một độc giả bình luận.
Thế nhưng những người lớn tuổi lại có suy nghĩ khác. "Rồi những người trẻ sẽ làm bố mẹ. Nếu họ tiếp tục đối xử với bố mẹ mình như vậy thì tương lai họ cũng sẽ bị con cái mình đối xử như thế. Tiền không thể mua được lòng hiếu thảo, bảo mẫu chẳng bao giờ có thể thay thế được con cái", một người khác viết.
Trong khi đó, một người phụ nữ lớn tuổi khác lại kể câu chuyện của mình: "Tôi đã dành cả tuổi thanh xuân để nuôi đứa con trai khôn lớn. Khi lớn lên, tôi còn bán cả nhà của mình để giúp con định cư tại Mỹ và hy vọng được sang đó với con. Thế nhưng một ngày, con trai gửi cho tôi một lá thư kèm theo 30.000 đôla Mỹ. Trong thư nó viết rằng nó không muốn tôi sang Mỹ cùng, và nó cũng tính toán tiền mà tôi nuôi nó đến khi trưởng thành vào khoảng 20.000 đôla Mỹ. Giờ nó gửi thêm coi như tiền cám ơn và yêu cầu tôi đừng làm phiền nó nữa".
"Tôi bị trầm cảm một thời gian, nhưng sau đó tôi đã dùng số tiền đó đi du lịch thế giới. Sau chuyến đi đó tôi nhận ra rằng, lòng hiếu thảo của con cái đôi khi là ăn may, nhà được nhà không. Được thì may, còn không được thì buồn cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. Quan trọng là làm mọi thứ để bản thân vui vẻ là được, vì cuộc sống này rất ngắn", người phụ nữ viết.
Hải Hiền (Theo cnjiwang)