Ngày 5/3, cô gái 28 tuổi họ Trần đã đến Văn phòng công chứng Tích Thành tỉnh Chiết Giang lập di chúc. Nội dung có 2 phần: Sau 100 năm nữa, người bạn thân sẽ được thừa kế ngôi nhà cô đang ở và thứ hai là tình nguyện hiến xác cho y học.
Cô Trần đến từ thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, hiện đang là giám đốc kinh doanh của một công ty máy tính tại thành phố Hàng Châu. Cô có một người bạn gái thân thiết họ Phạm, học cùng đại học.
Hai cô gái từng ở chung ký túc xá, người tầng dưới, người tầng trên. Khi ra trường, cô Trần ở lại Hàng Châu làm việc, còn người bạn tới Ôn Châu. Sau nhiều năm làm việc, Trần định mua nhà nhưng chưa đủ tiền, cô bạn thân đã cho vay. Hai năm trước Trần ốm thập tử nhất sinh, cô Phạm nghỉ việc, vượt hàng trăm cây số đến bệnh viện chăm bạn.
Tết nguyên đán 2020, thay vì về nhà, Trần đã đến nhà cô Phạm ở Ôn Châu để đón Tết cùng gia đình bạn. Ở đây cô cũng được bố mẹ bạn chăm sóc rất chu đáo.
Khi dịch Covid 19 bùng phát, số người chết ở Trung Quốc tăng lên từng ngày Trần đã rất lo lắng. Cô bắt đầu suy nghĩ về "cuộc đời thật quá mong manh", cô nhắn tin với Phạm và quyết định lập di chúc cho mình.
Nhân viên tại Văn phòng công chứng Tích Thành, Chiết Giang cho hay, Trần mong muốn khi chết được hiến xác cho y học, nhưng cô sợ bố mẹ không đồng ý. Bởi vậy trong di chúc, ngoài việc để lại bất động sản cho cô bạn, Trần còn đề nghị người thực hiện ý nguyện hiến xác của cô là Phạm.
Sau một loạt các quy trình như nhận dạng khuôn mặt, đánh giá tinh thần và viết di chúc ngay tại chỗ, Trần được thu thập thêm dấu vân tay, quay video toàn bộ quá trình niêm phong di chúc. "Tôi rất yên tâm khi di chúc của mình được thực hiện bài bản và chuyên nghiệp như vậy", cô gái 28 tuổi nói.
Diệp Thế Quyên, Giám đốc Văn phòng công chứng Tích Thành, Chiết Giang cho hay hai năm gần đây, những người sinh sau năm 90 đến lập di chúc như Trần đã tăng lên gấp đôi. Người trẻ nhất mà Văn phòng này xác nhận là một thanh niên mới 22 tuổi.
"Giờ đây nhiều người Trung Quốc đã từ bỏ tư tưởng di chúc chỉ dành riêng cho người già, những 9X chưa lập gia đình lập di chúc không còn là chuyện mới mẻ", bà nói.
Hiện nay những người trẻ tuổi Trung Quốc có trình độ văn hóa cao, kiến thức pháp luật đầy đủ. Khi thấy bạn bè hay đồng sự gặp sự cố thương vong bất ngờ, họ đã nghĩ đến vấn đề tài sản cá nhân nếu không may gặp rủi ro, từ đó nảy sinh ý nghĩ lập di chúc.
"Sau dịch Covid 19, số người trẻ lập di chúc sẽ tăng lên đáng kể", bà Diệp nhận định và cho hay các loại tài sản liên quan đến di chúc ở người trẻ cũng rất phong phú. Từ Garage Kit (mô hình lắp ráp bằng nhựa), đầm Lolita, quốc phục, thậm chí là mô hình tàu thủy hay cả tài khoản QQ...
Vị giám đốc này cũng tiết lộ, người thừa kế di chúc của khách hàng trẻ tuổi thường là cha mẹ, rất ít chọn những người không cùng huyết thống như cô Trần.
Vy Trang (Theo The paper)