Chân Tử Đan là giám đốc sản xuất kiêm nam chính của dự án. Nhân vật của anh là Trần Hiệp - một cựu quân nhân từ Mỹ về, xin làm giáo viên trường trung học ở Hong Kong. Tại đây, anh trở thành chủ nhiệm của một lớp có dàn học sinh phá phách, nổi tiếng học kém. Người đàn ông đầy võ nghệ phải đối mặt nhiều tình huống bi hài trong môi trường giáo dục. Bằng lối dạy không chính thống, anh dần tạo ra những thay đổi trong tư tưởng của các học sinh, giáo viên.
Ở đoạn mở đầu, nhà làm phim vận dụng lối quay rung máy của thể loại tài liệu đưa người xem len lỏi vào đời sống của lớp người giàu - nghèo, trí thức - lao động trong xã hội Hong Kong. Không khí trường học được khắc họa phong phú với hình ảnh các nhóm học sinh tài năng, giỏi thể thao hoặc cá biệt. Tác phẩm còn đề cập nhiều bất cập của giáo dục Hong Kong, chủ yếu là hệ thống thi cử. Ý tưởng này gợi nhớ bộ phim ăn khách của Thái Lan năm ngoái - Bad Genius - cùng một số phim thanh xuân Hoa ngữ.
Chân Tử Đan gây bất ngờ khi ít đánh võ trong Big Brother, chỉ có hai cảnh nổi bật ở giữa và cuối phim khi nhân vật giao đấu với các võ sĩ và đám giang hồ. Động tác đẹp mắt của tài tử được diễn tả từ nhiều góc máy, cách chuyển cảnh liên tục và nhịp phim nhanh gọn. Chất bạo lực được khai thác vừa phải, không quá phản cảm với thể loại học đường.
Giảm dần hành động là xu thế của Chân Tử Đan gần đây. Trang QQ nhận định khi bước qua tuổi 40, anh dần tìm kiếm một hướng đi mới, duy trì hình ảnh ngôi sao võ thuật nhưng không quá mạo hiểm. Khác với kiểu phim ngập tràn các cảnh chiến đấu ở giai đoạn trước, các tác phẩm gần đây của Chân Tử Đan như Trùm Hương Cảng (2017) và Big Brother cân đối yếu tố võ thuật và tâm lý.
Trong phần lớn thời lượng phim mới, nam diễn viên thể hiện mẫu nhân vật giàu tình nghĩa, nặng lòng với học sinh và có suy nghĩ tiến bộ, đưa ra quan điểm dạy học sáng tạo và phản đối kiểu giáo dục cứng nhắc truyền thống. Anh cũng tạo ra nhiều tiếng cười duyên với các chiêu thức đối phó học trò siêu quậy. Ở vài cảnh hồi tưởng, Chân Tử Đan có các lớp diễn nội tâm, giúp khán giả hiểu tại sao nhân vật từ Mỹ về Hong Kong dạy học. Dàn diễn viên trẻ vào vai học sinh đẹp đều và diễn khá tròn vai, hứa hẹn nhiều tiềm năng cho điện ảnh Hong Kong.
Tuy nhiên, kịch bản dần lộ khuyết điểm từ giữa phim do tham chi tiết. Câu chuyện nhắc tới nhiều vấn đề như áp lực thi cử, khoảng cách giàu nghèo, nỗi khổ nhà đất chật hẹp, sự kỳ thị với dân nhập cư, chiến tranh và hòa bình nhưng không yếu tố nào trọn vẹn. Một số điểm trong phim chưa hợp lý, ví dụ như chuyện nhóm học sinh siêu quậy ghi toàn bộ bí mật cá nhân trong hồ sơ trường học, để thầy giáo dễ dàng đọc được. Ở trích đoạn này, cách nhà làm phim kể lai lịch và hoàn cảnh của chúng bằng thoại tạo cảm giác dài dòng. Số lượng nhân vật của phim cũng khá đông khiến vai chính giảm nhẹ vai trò trọng tâm.
Nút thắt của câu chuyện được tháo gỡ vội vã. Mâu thuẫn của nhóm học sinh siêu quậy với người thân tồn tại suốt mười mấy năm nhưng chỉ qua vài kế sách của thầy giáo Trần, mọi chuyện được giải quyết êm đẹp. Sự chuyển đổi tâm lý quá nhanh khiến nhân vật thiếu chiều sâu. Còn các cảnh phim về tình cảm gia đình lạm dụng âm nhạc mùi mẫn và nước mắt để câu cảm xúc.
Với Big Brother, Chân Tử Đan tỏ rõ tham vọng gìn giữ và lan truyền phong cách phim Hong Kong truyền thống. Tác phẩm không chỉ khắc họa diện mạo của thành phố này mà còn đề cao tư tưởng anh hùng, sự gắn kết tình thân và nỗ lực của mỗi cá nhân, gợi nhớ đến nhiều tác phẩm trước đây của Hong Kong. Đây là một nỗ lực đáng trân trọng trong lúc điện ảnh xứ Cảng Thơm đang thoái trào.
Nhưng thành bại của một bộ phim chủ yếu vẫn phụ thuộc nội dung và cách dàn dựng. Ở phương diện này, Big Brother chưa chinh phục được khán giả. Phim nhận 5,7 điểm trên chuyên trang điện ảnh Mtime và 5,4 điểm trên hệ thống đánh giá phim Douban. Tính đến ngày 31/8, sau một tuần ra mắt ở Trung Quốc, bộ phim chỉ thu về 136 triệu NDT (19,9 triệu USD), kém hơn nhiều tác phẩm ra mắt cùng đợt. Phim khởi chiếu tại Việt Nam với tựa Đại sư huynh và nhãn C16 (không dành cho khán giả dưới 16 tuổi).
Dương Dương