Theo Zenlife Yoga, có 4 dạng người béo, tương đương với 4 nguyên nhân gây tăng cân phổ biến nhất hiện nay, bao gồm:
Dạng 1. Béo do quá căng thẳng
Khi bạn căng thẳng, nồng độ hormone cortisol trong cơ thể tăng cao dẫn đến gia tăng mỡ nội tạng quanh các cơ quan, đặc biệt là dạ dày. Người béo dạng này thường tập trung mỡ ở vùng bụng, đây là tình trạng khá điển hình của dân văn phòng.
Để giảm cân, việc đầu tiên bạn cần làm là phải giải phóng bản thân khỏi trạng thái stress. Thư giãn bằng những buổi hẹn hò, gặp gỡ bạn bè hoặc một chuyến đi chơi xa giúp bạn cân bằng cơ thể, hạn chế tăng cân và lấy lại động lực.
Trong chế độ ăn, bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm chứa carbohydrates phức hợp bao gồm ngũ cốc và rau quả để thúc đẩy serotonin trong hệ thống thần kinh trung ương. Hãy thêm vào khẩu phần ăn hàng ngày một cốc yến mạch pha với nước ấm. Bên cạnh đó đừng quên duy trì vận động thể chất phù hợp với bất kỳ môn thể thao nào bạn yêu thích hay chỉ đơn giản là đi bộ nhanh, chạy bộ 30 phút mỗi ngày.
Dạng 2. Béo do ăn uống vô độ
Nếu bạn là một người hảo ngọt và thường xuyên ngốn các loại đồ ăn có đường thì béo lên là đương nhiên. Khi lượng đường trong máu tăng, cơ thể sản xuất thêm nhiều insulin để chuyển hóa đường, cân nặng cũng gia tăng theo tỷ lệ thuận. Trên thực tế, loại béo này và béo do căng thẳng thường đi kèm với nhau. Người bị stress hay có xu hướng ăn đồ ngọt và những người thích ngọt thường có xu hướng stress nhiều hơn. Điều này cũng tương tự như khi bạn nghiện ăn thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ.
Để hạn chế đồ ngọt và béo, chỉ có cách duy nhất là tránh xa nó. Thay vào đó, hãy ăn các loại rau củ, trái cây ít ngọt và uống sữa tách béo để ''lấp đầy khoảng trống'' trong dạ dày mà không sợ tăng cân. Về luyện tập, người béo dạng này nên thiên về các bài tập cardio với sự ngắt quãng để giúp cơ thể đốt cháy calo tốt hơn mà không bị sốc khi lượng đường trong máu sụt do thay đổi chế độ ăn uống.
Video hướng dẫn các bài tập cardio cơ bản
Dạng 3. Béo do hormone nữ estrogen
Nếu bạn hay bị béo lên ở các vùng xung quanh hông, đùi, rất có thể do lượng hormone estrogen trong cơ thể đang ở mức quá cao. Đặc biệt, dạng béo này còn thường xuyên đi kèm với các hiệu ứng tiền kinh nguyệt của nữ giới như dễ kích động, trầm cảm, đau nhức, mệt mỏi, thèm ăn vô độ…
Để khắc phục, bạn nên bổ sung thêm các loại rau, nhất là rau họ cải như bông cải, súp lơ… vào thực đơn hàng ngày. Thành phần phytochemical trong rau sẽ giảm tác động của estrogen và hạn chế tăng cân.
Béo đùi và vùng xung quanh hông là biểu hiện chủ yếu của kiểu béo do estrogen nên bạn có thể lựa chọn các bài tập squat và biến thể của squat. Bạn nên tập khoảng 50 lần mỗi ngày, liên tục trong 3 ngày rồi nghỉ một ngày trước khi bắt đầu một chu kỳ mới.
Video hướng dẫn các bài tập squat cơ bản
Dạng 4. Béo do hormone nam testosterone
Ngược lại với dạng béo do hormone nữ estrogen là béo do hormone nam testosterone. Mỗi người đều có cả 2 loại hormone này trong cơ thể nhưng tỷ lệ mức độ khác nhau giữa 2 giới. Nếu phần nách tích tụ nhiều mỡ thừa thì nhiều khả năng cơ thể bạn không sản xuất đủ testosterone.
Để giảm béo, bạn nên tăng cường thêm nhiều vitamin D có trong các loại thực phẩm như cá hồi và trái cây. Dành ra 15 đến 20 phút mỗi ngày để tắm nắng vào buổi sáng sẽ giúp cơ thể dễ dàng tổng hợp vitamin D. Bạn nên lựa chọn những bài tập cho vùng bắp tay, chẳng hạn như tập tạ, vừa giúp cải thiện vùng mỡ ở bắp tay và nách vừa giúp tăng lượng testosterone trong cơ thể. Nếu bạn lo lắng về vấn đề cơ bắp, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến của huấn luyện viên chuyên nghiệp trước khi bắt đầu tập luyện.