Ngày 17/7, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), cho biết thủ tục chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu trên sẽ tiến hành trong tháng 7 và 8, đi kèm biện pháp xử lý hành chính. Đây là các đơn vị thi công đoạn 2 và 4, thuộc công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, được TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2016 nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Dự án trên chia làm 4 đoạn, trong đó một đoạn đã hoàn thành. Ba đoạn còn lại dài khoảng 9,5 km, nhưng chỉ đoạn 3 từ xưởng cơ khí Tiền Phong đến ngã ba Rạch Chùa đảm bảo tiến độ. Riêng đoạn 2 (sông Sài Gòn - khu khách sạn Sài Gòn Domaine) và đoạn 4 (sông Sài Gòn - khu biệt thự Lý Hoàng đến nhà thờ La San Mai Thôn) tiến độ chậm trễ. Chủ đầu tư đã nhiều lần đôn đốc song mọi việc không tiến triển.
"Song song chấm dứt hợp đồng với nhà thầu cũ, chúng tôi sẽ đấu thầu chọn đơn vị mới đủ năng lực tiếp tục thi công, đảm bảo tiến độ công trình", ông Phúc nói.
Trước đó hồi tháng 6, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết tại hai đoạn nêu trên, nhiều vị trí đã được giao mặt bằng nhưng nhà thầu chưa thi công. Các đoạn này đều ở khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng tài sản và tính mạng người dân. Sở Giao thông Vận tải đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan và hướng xử lý để đẩy nhanh tiến độ công trình.
Ngoài khu vực trên, bán đảo Thanh Đa mới đây xảy ra sự cố sụt lún đoạn bờ kè dài khoảng 200 m, ảnh hưởng trực tiếp 15 hộ dân. Đoạn kè này đưa vào khai thác cách đây 15 năm, hiện các nhà dân cùng nhiều công trình xây phía trên cách đỉnh kè 3,5 m gây tải trọng lớn. Chính quyền thành phố hiện chấp thuận thuê đơn vị tư vấn khảo sát để xác định rõ nguyên nhân cùng phương án khắc phục.
Thống kê trên địa bàn TP HCM hiện có 32 vị trí nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng khoảng 1.328 hộ dân. Trong đó, TP Thủ Đức là địa phương có nhiều nhất với 8 địa điểm. Kế đến là Nhà Bè, Cần Giờ, mỗi huyện có 7 vị trí nguy cơ sạt lở. Huyện Bình Chánh, quận Bình Thạnh, mỗi địa phương cũng có 4 địa điểm...
Gia Minh