Trả lời:
Trong thời gian đại dịch, mọi người chủ yếu làm việc ở nhà, ít vận động, ngồi trên 8 tiếng một ngày khiến cho cơ thể mệt mỏi, làn da thiếu sức sống, nhất là vùng da dễ sần sùi, chai sạm, nổi mụn nhọt hoặc tích mỡ và chảy xệ.
Khi cơ vùng mông bị bất động dẫn đến vùng chậu giảm chuyển động của quá trình xoay xương chậu, gây ra sự nén ở thắt lưng, làm đau lưng, lâu ngày dẫn đến mệt mỏi, xương cốt đau nhức, giảm tự tin.
Một số lý do khác như sở thích mặc quần ôm sát hoặc với chất liệu thô ráp, bít tắt như len, jean, nilon... tác hại trên hệ thần kinh và hệ mạch máu vùng mông, chân, gây trì trệ lưu thông máu huyết, dễ tích trữ mô mỡ và giảm sự săn chắc mô cơ cũng như làm da vùng mông dễ bị thô ráp, sần sùi, lão hóa... Tắm nước nóng, lạm dụng thức ăn nhanh có nhiều tinh bột, dầu mỡ. Thức khuya, thiếu ngủ thường xuyên, stress... cũng khiến da xấu vì tích trữ mô mỡ, tăng tiết chất bã trên da...
Để giúp khắc phục, bạn cần điều chỉnh tư thế ngồi cho phù hợp, cân đối, sao cho hông cao hơn một chút so với đầu gối, bàn chân đặt trên sàn và mông được tựa trên một mặt phẳng êm thoáng. Tập thể dục hàng ngày với thời lượng và bài tập thích hợp để vòng ba khỏe, đẹp. Không nên ngồi làm việc quá lâu trong thời gian dài mà đứng dậy vận động để cơ thể hoạt động.
Tránh mặc quần áo bó sát bất cứ khi nào có thể và tắm ngay sau khi thể dục hoặc đổ mồ hôi. Nên sử dụng các xà phòng có chứa benzoyl peroxide và hoặc các hoạt chất diệt khuẩn khác để làm giảm lượng vi khuẩn và ngừa nhiễm trùng tại các mụn nhọt vùng này. Tẩy da chết thường xuyên, tránh chà xát và tẩy da chết quá nhiều, sẽ gây kích ứng và làm cho vấn đề sừng hóa da trầm trọng hơn.
Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, chế độ sinh hoạt và tập luyện hàng ngày lành mạnh, tránh ngồi hoặc đứng lâu. Thường xuyên massage các vùng da bị chịu lực, bị tỳ đè hay cọ xát nhiều như vùng mông, thoa kem có chứa caffeine, retinoid mỗi ngày. Thường xuyên thoa dưỡng ẩm thích hợp để cải thiện tình trạng da khô, dày sừng...
Nếu các phương pháp chăm sóc da vùng mông tại nhà không hiệu quả, bạn nên gặp bác sĩ da liễu để được kê đơn dùng gel hoặc kem tiêu sừng hoặc kháng khuẩn, thuốc uống thích hợp để cải thiện vùng da ở vị trí này.
TS BS Lê Thái Vân Thanh
Trưởng khoa Da liễu & Thẩm mỹ da, Bệnh viện đại học Y dược TP HCM