Sáng 22/4, TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên phúc thẩm xem xét đơn kêu oan của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm", Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79) đối với bản án tuyên phạt ông 17 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Được đưa đến tòa từ sớm, Vũ "Nhôm" vẫn giữ vẻ phong độ như những lần ra tòa trước với tóc hớt cao, chải keo bóng nhưng có phần gầy hơn. Ông này tỏ ra bức xúc và lớn tiếng với cán bộ dẫn giải khi chậm được tiếp xúc với luật sư tại tòa.
Vũ "Nhôm" lớn tiếng với cảnh sát vì bị ngăn cản tiếp xúc với luật sư. Ảnh: Hữu Khoa. |
Vẻ tiều tụy, ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT DAB) tóc bạc trắng ngồi lặng lẽ trên hàng ghế bị cáo. Ông được xác định giữ vai trò chủ mưu trong vụ án và chỉ kháng cáo xem xét lại số tiền lãi đối với các khoản tiền buộc phải bồi thường lại cho DAB. Ông xin được chịu toàn bộ trách nhiệm dân sự thay cho cấp dưới và những người liên quan.
Để phục vụ cho việc xét xử, ngoài 26 bị cáo trong vụ án, toà cũng triệu tập đại diện Ngân hàng Đông Á với tư cách nguyên đơn dân sự và là đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 350 đơn vị, cá nhân khác.
Mở đầu buổi làm việc, HĐXX cho biết vắng mặt một số bị cáo được tại ngoại, nhiều luật sư cũng có đơn xin hoãn phiên tòa. Nêu ý kiến, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bảo vệ cho Vũ "Nhôm") cũng đề nghị hoãn xử phúc thẩm để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của thân chủ và các bị cáo khác.
Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng việc vắng mặt của nhiều bị cáo và luật sư sẽ không đảm bảo tính khách quan nên hoãn phiên tòa.
Ông Trần Phương Bình. Ảnh: Hữu Khoa. |
Theo bản án sơ thẩm, trong 10 năm điều hành hoạt động của DAB, ông Bình và đồng phạm đã thực hiện hàng loạt sai phạm gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng. Cựu Tổng giám đốc bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ, trong đó đã chuyển cho Vũ hơn 200 tỷ qua việc ký khống hồ sơ mua bán cổ phần; mua giúp 13,4 triệu USD nhưng Vũ chưa trả lại cho DAB.
Hơn 1.500 tỷ đồng thiệt hại còn lại là do ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ sai nguyên tắc chi lãi ngoài để huy động vốn 470 tỷ, 385 tỷ đồng kinh doanh ngoại hối, hơn 610 lượng vàng tài khoản, 53 tỷ trong việc tất toán khống khoản vay 1.900 lượng vàng cho bị cáo Nguyễn Hồng Ánh (nguyên cán bộ Công an TP HCM).
Cuối năm ngoái, TAND TP HCM tuyên phạt Vũ 17 năm tù, tổng hợp với bản án 8 năm tù TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó (đã có hiệu lực), bị cáo phải nhận 25 năm tù; buộc bồi thường hơn 200 tỷ đồng cho DAB.
Ngoài ra, Vũ còn bị kiến nghị điều tra vì cho rằng có dấu hiệu phạm tội khác liên quan đến khoản tiền 13,4 triệu USD giao dịch với ông Bình.
Ông Bình nhận án tù chung thân cho hai tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo khác nhận 2 năm tù treo đến 30 năm tù.
Nguyên phó tổng giám đốc DAB Nguyễn Thị Kim Xuyến. Ảnh: Hữu Khoa. |
Sau bản án sơ thẩm, Vũ kháng cáo toàn bộ bản án, khẳng định không chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của DAB, không phạm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Trong đơn kháng cáo, Vũ cho rằng cấp sơ thẩm chưa đánh giá toàn diện khách quan các chứng cứ của vụ án. Bởi tại tòa ông Bình xác nhận che giấu Vũ tình trạng của DongABank, nếu nói thật thì Vũ không đầu tư vào ngân hàng. Kết luận của cơ quan điều tra và chứng cứ tại tòa khác nhau, vì vậy không có căn cứ buộc tội bị cáo.
Phan Văn Anh Vũ cũng cho rằng mình không bàn bạc, thống nhất với bị cáo Nguyễn Đức Vinh (nguyên trưởng phòng Ngân quỹ của DongABank) để rút số tiền này cho Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 vay. Vũ không bàn bạc với bị cáo Bình, Vinh, Nguyễn Văn Thuận (nguyên phó giám đốc DongABank), Hùng (nguyên thủ quỹ DongABank) để câu kết, lập các chứng từ khống thông đồng và rút tiền của DongABank.
Vũ khẳng định không ăn chia, hưởng lợi, nhận phần trăm, hưởng vật chất gì trong việc Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 vay mượn 200 tỷ đồng của cá nhân ông Bình. Việc bàn bạc, chỉ đạo đường đi số tiền này là do ông Bình thực hiện bằng nghiệp vụ với cấp dưới.
Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên phó tổng giám đốc DAB) cùng 15 bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Điều tra giai đoạn hai về những sai phạm xảy ra tại DAB, cuối năm 2018, ông Bình cùng 9 cán bộ cấp dưới tiếp tục bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 BLHS năm 2015. Vụ án nhằm làm rõ hành vi của các cựu cán bộ nhà băng chi lãi ngoài cho một số tổ chức gửi tiền, liên quan những khoản vay thuộc nhóm Hiệp Phú Gia, Nguyễn Thị Ngọ, Tân Vạn Hưng, Đồng Tiến và M&C.
Hải Duyên