Ngày 20/12, ngoài mức án 17 năm tù đối với Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79) về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, TAND TP HCM còn kiến nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao tiếp tục điều tra, làm rõ việc bị cáo còn giữ 13,4 triệu USD của Ngân hàng Đông Á (DAB).
Từ năm 2007 đến năm 2014, để có tiền mua cổ phiếu, ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT DAB) đã chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến (Phó tổng giám đốc) và các bị cáo lập phiếu thu khống, mua bán vàng, kinh doanh ngoại tệ trái luật.
Ngoài ra, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 1.160 tỷ đồng để mua 74,2 triệu cổ phần DAB, xuất quỹ 497,8 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD. Sau đó ông Bình chuyển cho Vũ Nhôm 13,4 triệu USD nhưng đến nay chưa trả lại cho nhà băng.
Theo HĐXX, tuy chưa xác định được hành vi vi phạm liên quan đến giao dịch này nhưng việc Vũ nhận USD từ ông Bình "có dấu hiệu tội phạm khác" nên cần thiết phải điều tra.
HĐXX cũng kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của những cá nhân thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thanh tra giám sát NHNN Chi nhánh TP HCM, Công ty Kiểm toán TNHH Ernst and Young VN trong việc kiểm toán, kiểm quỹ nhưng không phát hiện Trần Phương Bình để xảy ra sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, cơ quan thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh TP HCM đã 13 lần kiểm tra nhưng không phát hiện Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới lập các hợp đồng tín dụng cho khách hàng vay khống tiền vàng; hạch toán mua bán vàng khống; chi lãi ngoài; lập chứng từ điều vốn khống từ chi nhánh về Hội sở và ngược lại sau khi thanh tra, kiểm tra xong, để Bình chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng.
Liên quan đến những sai phạm của ông Bình và đồng phạm tại DAB, HĐXX cũng chấp nhận kiến nghị của VKS trước đó, tiếp tục điều tra để xử lý Võ Thị Kim Anh (nguyên trưởng phòng Kế toán – Kế toán trưởng Hội sở DAB); Trần Huy Nam (nguyên Giám đốc DAB Chi nhánh Gia Định) nếu có vi phạm.
Theo lời khai của Bình, năm 2009, Kim Anh phát hiện Phòng ngân quỹ thu khống và che giấu việc âm quỹ bằng việc điều chuyển vốn từ chi nhánh về hội sở khi có thanh tra, kiểm toán. Kim Anh có phản đối nhưng khi nghe Bình bảo "sẽ thu xếp được" thì chấp nhận để ông thực hiện việc thu khống và che giấu việc âm quỹ, bằng việc ký vào các biên bản kiểm quỹ và báo cáo kiểm toán.
Hành vi của Kim Anh có dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS năm 1999, nay là Điều 360 BLHS 2015.
Còn Trần Huy Nam được Bình ủy quyền đàm phán thống nhất với Phạm Văn Phước cho Công ty Cổ phần lương thực Nam Định chuyển nhượng hơn 460 m2 đất và tài sản trên đất tại thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) cho DAB chi nhánh Nam Định với giá 19 tỷ đồng. Theo quy định, việc bán tài sản phải qua đấu thầu, sau khi đấu thầu DAB chi nhánh Nam Định đã trúng thầu với giá hơn 10 tỷ đồng. Phước yêu cầu DAB phải trả thêm hơn 9 tỷ nếu không sẽ hủy bỏ việc mua bán.
Nam báo cáo cấp trên và đã được duyệt. Công ty lương thực Nam Định chỉ nhận được hơn 10 tỷ đồng, còn Phước chiếm hưởng số tiền còn lại. Nam là người trực tiếp đàm phán, ký kết và giao tiền cho Phước, tạo điều kiện cho người này chiếm đoạt nên có dấu hiệu đồng phạm cần được điều tra để xử lý.
Trong phạm vi vụ án vừa xét xử, Trần Phương Bình và đồng phạm bị cáo buộc đã thực hiện hàng loạt sai phạm kéo dài trong 10 năm điều hành hoạt động của DAB, gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng.
Đánh giá hành vi này là đặc biệt nghiêm trọng, toà tuyên phạt Bình án chung thân, Nguyễn Thị Kim Xuyến lĩnh 30 năm tù cùng về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Hồng Ánh (cựu cán bộ Công an TP HCM) nhận 10 năm tù (VKS chỉ đề nghị 5-6 năm) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 22 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 năm tù treo đến 16 năm tù.
Hải Duyên