Trong công văn khẩn vừa gửi Thủ tướng, UBND TP HCM xin điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) từ 1,3 tỷ USD (phê duyệt năm 2010) lên hơn 2,1 tỷ USD.
Theo chính quyền thành phố, động thái này được thực hiện sau khi thành phố đã tiếp thu ý kiến các bộ, ngành trung ương và thẩm tra bởi đơn vị tư vấn độc lập.
Về nguyên nhân đội vốn, UBND TP HCM cho rằng do ảnh hưởng các yếu tố như trượt giá, chi phí tài chính, xây dựng (bổ sung khối lượng cho việc kết nối với các tuyến metro số 3b, 5 và 6; tăng chiều dài các nhà ga ngầm)...
Cũng theo UBND thành phố, khi các bộ có ý kiến về hạng mục chi phí tổng đầu tư, thành phố đã tiếp thu và cập nhật, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án; đồng thời cũng có phân tích và so sánh suất đầu tư dự án với các dự án đường sắt đô thị trong khu vực. Suất đầu tư (đã được thẩm tra) của dự án metro 2 khoảng 135 triệu USD/1km, nằm trong khoảng trung bình của các dự án đường sắt đô thị trong khu vực từ 97 đến 345 triệu USD/1km.
Cùng với việc xin điều chỉnh tăng vốn, chính quyền thành phố cũng đề nghị lùi thời hạn hoàn thành dự án tuyến metro số 2 đến năm 2024, thay vì vào năm 2018 như kế hoạch trước đây. Việc này nhằm để đảm bảo đủ thời gian hoàn thành dự án theo yêu cầu của thực tế công việc đang triển khai.
Theo thành phố, mốc thời gian này đã được thảo luận và thống nhất với các nhà tài trợ của dự án.
Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng kiến nghị thủ tướng chấp thuận chủ trương giao UBND TP HCM tiếp tục là cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định tại Nghị định 131/2015.
Tuyến metro số 2 là một trong 8 tuyến metro đã được phê duyệt tại TP HCM, chiều dài toàn tuyến gần 20 km (Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh), chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn một dài 11,3 km (Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó có 9,3 km đi ngầm với độ sâu trung bình 18 m. Tổng số hộ ảnh hưởng trên toàn dự án là 679 hộ dân.
Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM, dự kiến tháng 8 năm tới mới hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, tuyến metro số (tuyến metro đầu tiên của TP HCM) hiện cũng đang gặp khó khăn do nguồn vốn ODA từ trung ương cấp phát nhỏ giọt. UBND TP HCM đang phải tạm ứng vốn từng tháng để trả tiền cho các nhà thầu để đảm bảo tiến độ dự án. Tính đến nay, sau 3 lần thành phố đã tạm ứng hơn 2.200 tỷ đồng để trả cho các nhà thầu.
Hữu Công