"Nhân chuyện 'bánh trung thu có chân', tôi xin kể thêm câu chuyện 'chai rượu ngoại' cũng có chân.
Tết đến đi biếu quà, tất nhiên đây là biếu quà cho lãnh đạo, chứ không phải người thân. Vì phát sinh thêm, mà lại là rất quan trọng cho công ty mình... chúng tôi đành ghé quán rượu gần nhà sếp để mua chai rượu ngoại.
Sau khi thỏa thuận xong giá và trả tiền, chúng tôi cho rượu vào túi quà biếu. Anh chủ quán vui vẻ hỏi: "Các bác có phải vào chơi nhà anh đó không?". Chúng tôi ngạc nhiên, hỏi lại sao bác biết? Anh chủ quán cười rất tươi rồi nói là tôi đoán liều thôi.
Rồi anh chủ quán cởi mở: "Chai rượu này quay vòng lần thứ ba rồi đấy, từ quán tôi mà". Có hai nhóm cũng mua rượu đến nhà anh đó. Rồi người nhà anh ta lại ra bán lại. Anh chủ quán cười tươi, tôi cũng được lộc ba lần rồi. Hy vọng, ngày mai có khi lại được lộc tiếp đấy'.
Tôi đoán chắc là ngay mai anh chủ quán lại có lộc. Ai nỡ uống 'chai rượu quý thế'".
Độc giả Dang Hai kể câu chuyện trên sau bài viết Đường đi xoay vòng của hộp bánh trung thu 3 triệu đồng. Ở bài viết trước, độc giả An Phước đặt vấn đề về việc biếu quà cáp mỗi dịp lễ Tết có đang biến tướng: "Tôi tự hỏi, người lớn có cần bánh trung thu như thế không? Có lẽ trẻ em mới là những người cần ăn bánh, phá cỗ - "trung thu là tết thiếu nhi".
Độc giả Panda kể: "Tầm 10 năm trước, tôi làm ở công ty mới thành lập. Công ty cũng bắt chước đi biếu quà trung thu. Khi mang đến tặng một cơ quan thì thấy họ có cả phòng bánh trung thu, chúng tôi nghĩ tặng cũng đâu có ý nghĩa gì đâu. Thế là từ năm sau đó không cần đi tặng quà trung thu nữa, đỡ bận rộn vào việc không đâu".
Độc giả Ngồi Không nói: "Tất cả công ty nước ngoài thường cấm nhân viên nhận quà cá nhân từ đối tác, khách hàng và cả trong nội bộ, dù cho chỉ là một chai rượu vang vài chục đô.
Tôi nghĩ nếu áp dụng vào công ty ở việt nam, thì giá bánh trung thu, cũng như những dịp lễ, sẽ giảm xuống để người dân có thể hưởng thụ một mùa lễ".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.