Có hai con chuẩn bị vào học lớp 2 và lớp 7, chị Nguyễn Lan (Vĩnh Phúc) đang "nín thở" chờ quyết định của trường xem có phải học online hay không. Nhà chị hiện chỉ có một chiếc laptop cũ và một smartphone, vốn vừa để chị làm việc, vừa để con học bài. Nếu trường của cả hai đứa đều yêu cầu học online, chị sẽ phải sắm thêm thiết bị vì không thể dùng chung mãi được.
"Tôi đã hỏi dò một số cửa hàng. Máy tính cũ khoảng 5 triệu đồng, gần bằng một tháng lương của tôi mà chưa rõ chất lượng thế nào. Còn máy mới loại rẻ, cấu hình thấp gần 10 triệu đồng", chị Lan kể. Dự kiến, tháng 9 này cả bé nhà chị Lan sẽ cùng đi học, nhưng đến nay, chị vẫn chần chừ chưa dám mua vì số tiền lớn so với thu nhập. "Nếu mua máy sẽ phải giảm chi tiêu, mà chưa biết việc học online sẽ diễn ra đến khi nào. Đến khi các con đi học lại thành lãng phí", chị nói.
Lê Nam (Hà Nội) có con sắp vào lớp 1 cũng "đau đầu" vì thiết bị học online. Với ngân sách dưới 5 triệu đồng, anh được người bán hàng tư vấn bộ máy tính để bàn đã qua sử dụng. Ban đầu anh nghĩ máy tính để bàn có màn hình lớn và giúp con có tư thế ngồi học nghiêm túc hơn. Tuy nhiên đến khi vào học, anh mới biết cần sắm thêm webcam, micro để phát biểu, máy in để khi cần sẽ in tài liệu cho con làm bài. Số tiền mua thiết bị học cho con, dù chỉ là loại rẻ, "ngốn" của anh cả chục triệu đồng, trong khi thu nhập cả gia đình đang giảm vì dịch bệnh.
Trên các hội nhóm của phụ huynh, việc mua sắm thiết bị trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, cả cha mẹ và con cái cùng phải làm việc và học tập online, nhiều gia đình phải mua hàng loạt thiết bị văn phòng với chi phí lớn. Một thành viên cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng dịch bệnh, nhà anh phải sắm thêm ba chiếc máy tính để cả gia đình cùng làm việc và học tập từ xa.
Song song với vấn đề chi phí, việc lựa chọn thiết bị nào cho con học cũng được nhiều phụ huynh cân nhắc. "Nhờ các mẹ tư vấn, con vào lớp một, nên mua laptop hay máy tính bảng để con học bài?", Kim Ngân, một phụ huynh phân vân. Theo chị Ngân, con chị thích học trên máy tính bảng, chị thì cho rằng laptop dùng được lâu dài hơn. Đưa thắc mắc của mình lên một hội nhóm của các phụ huynh để nhờ tư vấn, hai luồng ý kiến được đưa ra cũng khiến chị chưa biết phải lựa chọn loại nào.
Theo Nguyễn Linh, một người kinh doanh thiết bị vi tính, nhu cầu mua thiết bị cho con học trực tuyến tăng mạnh từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8. Thời gian này, anh phải tư vấn thiết bị học tập cho hàng chục phụ huynh có con chuẩn bị vào năm học mới.
Theo anh Linh, máy tính bảng và laptop đều có thể cài phần mềm phục vụ việc học trực tuyến và các ứng dụng văn phòng. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ mới bắt đầu đi học, anh Linh cho rằng máy tính bảng sẽ phù hợp hơn trong thao tác nhờ màn cảm ứng. Học sinh dễ dàng tương tác, đồng thời phụ huynh có thể cài nhiều ứng dụng phục vụ cả học online hay offline cho con. Nhiều máy tính bảng có chế độ cho trẻ em, giúp phụ huynh kiểm soát thời gian sử dụng của con dễ dàng.
Trong tầm giá 10 triệu đồng, máy tính bảng có màn hình đẹp hơn nên dùng lâu không mỏi mắt. Trong khi đó, laptop giúp giữ tư thế học tập của con trẻ đúng hơn. Một chiếc laptop với các trang bị phù hợp sẽ giúp cha mẹ và con cái cùng sử dụng được lâu dài, Tuy nhiên, laptop có màn hình đẹp, cấu hình khá thường có giá trên 15 triệu đồng, khiến số tiền phụ huynh phải chi cho việc học online sẽ nhiều hơn đáng kể.
Trong bài viết Phụ huynh Sài Gòn đuối sức trước học kỳ trực tuyến của VnExpress, nhiều độc giả cho rằng sẽ giai đoạn này rất khó khăn nếu phải sắm thiết bị để học trực tuyến.
"Thời điểm này lo cái ăn còn vất vả, lấy đâu ra tiền mua laptop hay iPad cho con học trực tuyến. Nhà có 2, 3 con phải học trực tuyến cùng lúc thì làm sao đây?", độc giả Hữu Thẩm đặt câu hỏi.
Độc giả Chang Hua cho biết đang phải cho con học bằng điện thoại vì không thể mua được máy tính. "Tôi là lao động tự do đang ở trọ, máy tính là điều xa xỉ đối với tôi. Thất nghiệp mấy tháng rồi nên sách vở cho các cháu còn chưa mua nổi, lấy đâu ra tiền mà mua máy tính. Giờ chỉ nhờ vào cái điện thoại cho các cháu học online. Mong sao mau hết dịch để các cháu trở lại trường", người này viết.
Lưu Quý