Trao đổi trong Toạ đàm CTO Talks ngày 9/7 về chủ đề chuyển đổi số trong giáo dục, ông Tạ Hải Tùng - Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội - đặt vấn đề: "Hậu Covid-19, khi xã hội quay lại trạng thái bình thường mới, liệu việc học và dạy sẽ diễn ra như thế nào? Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì mô hình học trực tuyến hay quay về phương pháp giáo dục truyền thống?". Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, cả ba khách mời còn lại của sự kiện đều đồng ý rằng trong tương lai, mô hình giáo dục trực tuyến sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, hình thức dạy học trực tiếp cũng không thể xoá bỏ hoàn toàn. Mô hình kết hợp cả online lẫn offline sẽ là tương lai của ngành giáo dục Việt Nam.
Bà Phạm Thị Hiền - Phó hiệu trưởng trường Trung học Vinschool The Harmony - cho rằng chuyển đổi số là xu thế không thể đi ngược của ngành giáo dục. Ở Việt Nam, mô hình học tập kết hợp giữa online và offline đã diễn ra từ trước Covid-19. Dịch bệnh chỉ như một cú hích khiến việc chuyển đổi số trong hệ thống của Vinschool diễn ra nhanh hơn. Theo bà Hiền, vấn đề khó nhất trong chuyển đổi số trong giáo dục là thay đổi được quan điểm về giáo dục. Học sinh phải chủ động, tương tác với nguồn dữ liệu mở. Hệ thống giáo dục phải thay đổi chiến lược, xác định mục tiêu đầu ra mong muốn của mình, và cuối cùng là sự đồng lòng của các bậc phụ huynh.
Chung quan điểm với bà Hiền, ca sĩ Mỹ Linh - Đồng sáng lập Young Beat School Of Music - cho rằng định kiến là thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số ngành giáo dục. "Vẫn có những định kiến rất lớn trong âm nhạc rằng dạy học là phải cầm tay chỉ việc. Ban đầu, nhiều thầy cô giỏi đều từ chối dạy học online. Bản thân những người làm âm nhạc giỏi chỉ tập trung vào lĩnh vực của mình, rất ít có xu hướng mở rộng, cập nhật thêm lĩnh vực khác, đặc biệt là công nghệ", ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ.
Theo ông Phạm Tuấn Anh - CTO Steam for Vietnam, việc số hóa ngành giáo dục phải được thay đổi từ nhiều tầng nhận thức. Đầu tiên là thay đổi từ người làm giáo dục, sau đó mới giúp chuyển đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh từ những khóa học do mình thiết kế. "Tôi tin rằng, một tổ chức muốn chuyển đổi số hiệu quả, phải phát triển một cách bài bản từ xây dựng hệ thống phần mềm, nền tảng hiệu quả, giúp học sinh tương tác, học tập tốt hơn phương pháp truyền thống", Giám đốc công nghệ của Steam for Vietnam lưu ý.
Ông Tuấn Anh cho rằng ngay cả ở Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác đều chưa tìm ra được mô hình mẫu trong chuyển đổi số ngành giáo dục. Thế giới đang áp dụng hai phương pháp cơ bản trong số hóa ngành giáo dục. Đầu tiên là tổ chức các khóa học trực tuyến đang được triển khai tại đại học Harvard. Có khóa học hàng triệu sinh viên tham gia cùng lúc. Mô hình thứ hai là các trường tư thục sẽ trang bị các thiết bị công nghệ, mua phần mềm học tập về cho học sinh, sinh viên thực hành. "Tuy nhiên, cả hai mô hình đều có những nhược điểm riêng. Với mô hình đầu tiên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thấp hơn nhiều so với truyền thống. Còn phương pháp thứ hai chỉ có thể tiếp cận trong phạm vi hẹp vì đòi hỏi chi phí cao", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Cuối cùng, phương pháp tốt nhất là kết hợp cả hai mô hình này, tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế của cả phụ huynh, học sinh lẫn cơ sở hạ tầng của địa phương. Là người vừa làm việc trong lĩnh vực giáo dục, vừa là nhà nghiên cứu công nghệ, ông Tạ Hải Tùng cho rằng: "Chuyển đổi số không chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch, mà mục đích cuối cùng là làm sao để đem lại hiệu quả tốt nhất cho người thụ hưởng lẫn người giảng dạy".
Tuy nhiên, ông Tùng cũng lưu ý, hai mặt của chuyển đổi số là công nghệ vừa có thể đem lại công bằng trong tiếp cận giáo dục, nhưng nếu làm không đúng, có thể làm phân hóa sâu sắc hơn khoảng cách số. "Giải pháp đầu tiên là cả nhà nước và doanh nghiệp, ngoài làm kinh doanh, phải tính đến việc xoá đi khoảng cách số bằng việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở những vùng sâu vùng xa", ông Tùng lưu ý.
Chia sẻ với góc nhìn của ông Tùng, đại diện Vinschool cho rằng những tổ chức giáo dục đi đầu trong chuyển đổi số, có sẵn nền tảng, cũng nên chia sẻ những thành tựu của mình cho toàn xã hội, để những học sinh không trong hệ thống của mình cũng có thể tiếp cận được những phương pháp, mô hình giáo dục mới một cách dễ dàng, miễn phí.
Ngoài những lo ngại về mặt trái của công nghệ trong giáo dục, các diễn giả trong CTO Talks còn lưu ý rằng chuyển đổi số có thể đe doạ đến tương lai của hệ thống giáo dục truyền thống. Những mô hình giáo dục, trường học không nắm bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, có thể bị bỏ lại rất xa và phải chấp nhận đào thải trong tương lai.
Khương Nha