Anh Tùng muốn tiêm dịch vụ để bé được dùng văcxin tốt hơn, nhưng vợ tiếc tiền, kêu gần 600.000 có thể mua được nửa tháng sữa cho con nên muốn theo tiêm chủng mở rộng. Hai vợ chồng chưa thống nhất được nên cứ trì hoãn việc cho con đi chích ngừa.
Hôm tiêm mũi Quinvaxem thứ nhất về, bé Bin sốt 39 độ C, anh chị phải túc trực luân phiên chườm đá ở nốt tiêm cho bé. Sau một tuần, bé sụt cân. Dù được mấy người bạn có con nhỏ từng tiêm Quinvaxem trấn an đến khi tiêm mũi thứ hai, phản ứng của bé sẽ giảm nhưng anh vẫn còn run khi nhớ lại cảnh con gào khóc và người run lên bần bật.
“Hôm vừa rồi đọc thông tin bé 5 tháng tuổi ở Bạc Liêu tử vong sau tiêm Quinvaxem, trước đó thì có nhiều bé ở Tiền Giang phải nhập viện nên mình càng không muốn cho con đi chích ngừa. Chắc để đến khi nó lớn”, anh Tùng chia sẻ.

Một số văcxin Việt Nam đang sử dụng thuộc thế hệ cũ, tỷ lệ gặp phản ứng cao hơn. Ảnh minh họa: Dương Ngọc.
Cũng vì lo sợ tiêm văcxin nên hôm bế bé Út ra trạm y tế phường, vì đến hơi muộn nên hết văcxin Quinvaxem, vợ chồng chị Trâm (quận 7, TP HCM) lại thấy mừng: "Không tiêm cho con thì áy náy, mà tiêm vào chỉ sợ bị làm sao". Chị cũng đang phân vân việc dừng lại tiêm văcxin 5 trong 1 cho con.
Sinh bé hồi tháng 7, chị Minh - bà chủ một công ty tư nhân ở Bình Dương - quyết định chỉ tiêm dịch vụ cho con để đảm bảo an toàn. Theo chị tiền nào của nấy, những gia đình không có điều kiện thì phải chịu chứ nếu có khả năng thì không tiết kiệm tiền thuốc thang với con. Lần này, chị chọn cho con mũi 6 trong 1 Infanrix Hexa, phòng cả bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib. Lần tiêm mũi 1 về bé sốt nhẹ, nhưng chỉ quấy khóc chút xíu rồi lăn ra ngủ.
Nhìn những trường hợp phản ứng với văcxin, chị Phương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đâm sợ tất cả các loại văcxin. Chị kiên quyết nói không với chương trình tiêm chủng mở rộng mà đưa con đi tiêm dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim (phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và Hib). Được bác sĩ hẹn tháng sau đến tiêm phòng cúm hay rubella nhưng chị gạt ngay. “Những bệnh nặng nhà nước phòng chống thì mình phải tiêm chứ nghe nói một số văcxin là những con vi khuẩn dạng yếu được đưa vào người, sợ tiêm vào rồi bé càng yếu hơn”, chị Phương giải thích.
Theo Cục Y tế dự phòng, thống kê các phản ứng sau tiêm văcxin Quinvaxem trong đợt tiêm tháng 10-11 là sưng, nóng, đỏ, đau chiếm tỷ lệ 0,034%, sốt cao là 0,187%, tím tái 0,032%, khó thở 0,011%, co giật 0,023%. Trường hợp tử vong của bé 5 tháng tuổi ở Bạc Liêu được ghi nhận là một trong tổng số gần 400.000 liều văcxin Quinvaxem đã được sử dụng lại từ tháng 10/2013 đến nay.
Không chỉ phụ huynh lo lắng với văcxin Quinvaxem mà những bác sĩ làm việc tại các điểm tiêm phòng cũng bất an trước phản ứng của trẻ. Gửi thư về VnExpress.net, độc giả Nguyen Y Van cho biết, chị là bác sĩ công tác trong ngành y tế 21 năm, tốt nghiệp chính quy và về công tác trạm y tế 15 năm rồi. Giờ mỗi khi triển khai tiêm văcxin 5 trong 1 là các đồng nghiệp của chị lo lắng toát mồ hôi hột. Không tiêm thì bị kiểm điểm, nếu tiêm lỡ có sốc phản vệ thì khó mà sống yên. “Trước kia không có loại văcxin 5 trong 1 này chúng tôi rất thoải mái khi tới kỳ tiêm ngừa cho các cháu, giờ có nó chúng tôi lo lắng nhiều lắm”, chị nói.
Trong hội thảo sử dụng văcxin chất lượng, an toàn và hiệu quả diễn ra tại Hà Nội ngày 24/7, phó giáo sư Đỗ Sỹ Hiển, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, về chất lượng, văcxin lưu hành ở Việt Nam đều đạt tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và quốc tế, đạt tiêu chuẩn dành cho văcxin an toàn. Tuy nhiên, một số văcxin đang sử dụng thuộc thế hệ cũ, vì thế tỷ lệ phản ứng và một số chuyện rắc rối thường gặp hơn.
Trong số văcxin thế hệ cũ đó có văcxin ho gà toàn tế bào chứa 3.000 kháng nguyên (nằm trong thành phần của Quinvaxem). Cơ thể trẻ sau khi tiêm ngừa phải phản ứng với 3.000 kháng nguyên, những phản ứng như sốt, đau sẽ phải rất cao. Nếu ta sử dụng loại vô bào chỉ có 3-5 kháng nguyên thì phản ứng ở trẻ giảm và an toàn hơn rất nhiều.
Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, nếu tiêm Quinvaxem, mũi tiêm đầu tiên cũng là lần đầu tiên tạo cho cơ thể khả năng ngừa 5 bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Bình thường, loại văcxin 5 trong 1 này được tiêm 3 mũi, bắt đầu khi trẻ 2 tháng, sau đó nhắc lại lúc trẻ 3 và 4 tháng. Liều văcxin thứ 2 và 3 sẽ giúp gợi lại “bộ nhớ” của hệ miễn dịch sản xuất thêm kháng thể mà trước đó nó đã tạo ra sau đợt tiêm ngừa cơ bản.
Tuy nhiên, nếu bé không được tiêm đúng như lịch trình, mũi sau cách mũi trước nhiều tháng thì về cơ bản không ảnh hưởng tới miễn dịch của trẻ cũng như khả năng bảo vệ của văcxin. Ngược lại, nếu trẻ không được tiêm nhắc thì cơ thể sẽ không tạo đủ kháng thể để chống lại 5 bệnh này. Vì vậy, phụ huynh nên nhớ đưa con đi tiêm đủ 3 mũi.
Theo bác sĩ Tống Thanh Sơn, khoa Trẻ em lành mạnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM, nếu đang tiêm cho trẻ văcxin 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, phụ huynh chuyển sang tiêm văcxin dịch vụ thì văcxin vẫn có hiệu quả bảo vệ như thường. Do đó việc hoán đổi này là hoàn toàn có thể thực hiện được và không gây ra nguy hiểm gì.
Kim Kim