
- Chỉ vài ngày qua, hàng chục trẻ em ở Tiền Giang phải nhập viện sau khi tiêm văcxin Quinvaxem tại địa phương, ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?
- Ngay khi nhận được tin các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng tại Tiền Giang và Sở Y tế tỉnh quyết định tạm dừng sử dụng tại huyện Cai Lậy, ngày 27/10, Viện Pasteur TP HCM đã cử đoàn xuống Tiền Giang để kiểm tra, đánh giá.
Thực tế cho thấy, trong tháng 10, số lượng trẻ tiêm phòng tăng gấp 5 lần so với tháng bình thường, đặc biệt tăng nhiều số trẻ tiêm mũi 1 và các phản ứng sau tiêm chủng thông thường xảy ra nhiều ở mũi 1. Ngoài ra, nhiều bà mẹ đã đưa con đến ngay cơ sở y tế khi có biểu hiện bất thường sau tiêm chủng (trong khi trước đây, thường sau 2-3 ngày trẻ tiến triển nặng mới được đưa đến cơ sở y tế). Do đó ghi nhận số lượng phản ứng sau tiêm chủng tăng và theo thực hành y tế công cộng thông thường, Sở Y tế đã ra quyết định tạm dừng tiêm.
Tuy nhiên, số liệu thống kê, phân tích tại huyện Cai Lậy cho thấy các phản ứng sau tiêm chủng là nhẹ, thông thường và nằm trong giới hạn cho phép, số trẻ sốt trên 38 độ C chiếm 1,33% (tỷ lệ của Tổ chức Y tế thế giới WHO là 23,7%), nôn ói 0,66% (WHO 0,8%), tiêu chảy 0,28% (WHO 1,5%), khóc dai dẳng 0,44% (WHO 1,5%)... Trên cơ sở này, Sở Y tế Tiền Giang ra quyết định tiếp tục tiêm phòng Quivaxem tại Cai Lậy.
- Từ vụ việc ở Tiền Giang, nhiều bà mẹ lo sợ không dám cho con đi tiêm văcxin. Những trẻ không tiêm sẽ đối mặt với nguy cơ gì?
- Năm 1975, Bộ Y tế Nhật Bản quyết định ngưng sử dụng văcxin ho gà khi điều tra 2 trường hợp tử vong sau tiêm văcxin DPT. Số liệu giám sát 3 năm trước khi ngưng tiêm phòng có 400 trường hợp mắc ho gà và 10 trường hợp tử vong, sau 3 năm ngưng tiêm đã xảy ra 13.000 trường hợp mắc ho gà và 113 người tử vong. Điều này cho thấy cái giá phải trả cho việc ngưng sử dụng hoàn toàn văcxin ho gà toàn tế bào, trẻ em không chết vì văcxin ho gà mà chết vì nhiễm bệnh ho gà.
Việc tiêm phòng văcxin là cần thiết và càng sớm càng tốt để tạo miễn dịch bảo vệ cho trẻ em, cộng đồng. Văcxin cũng như thuốc, khi tiêm cũng có thể xảy ra phản ứng không mong muốn. Sau tiêm chủng, trẻ có thể sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, hoặc quấy khóc, đó là các phản ứng thông thường do văcxin kích thích hệ thống miễn dịch.
- Đến thời điểm này, chương trình tiêm chủng mở rộng với văcxin Quinvaxem tại miền Nam đã được tiến hành lại ở các địa phương nào?
- Từ tháng 8, theo yêu cầu của Bộ trưởng Y tế, Viện Pasteur TP HCM đã cử 10 đoàn công tác tới hỗ trợ 20 tỉnh thành phố để đánh giá toàn diện công tác tiêm chủng, từ thanh kiểm tra, đảm bảo chất lượng văcxin, tập huấn cho cán bộ tiêm chủng, truyền thông an toàn tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng. Đối với các tỉnh có số lượng điểm tiêm chủng lớn như TP HCM, Đồng Nai, Viện đã cử cán bộ trực tiếp xuống cùng các đoàn địa phương.
Đến cuối tháng 10 các tỉnh, thành phố sẽ hoàn thành kiểm tra công tác an toàn tiêm chủng. Chỉ những điểm tiêm chủng nào đủ điều kiện về cơ sở vật chất, con người, dây chuyền lạnh, các trang thiết bị, quản lý hồ sơ theo quy định mới được tiến hành. Các tỉnh, thành phố triển khai tiêm chủng thường xuyên. Riêng với văcxin Quinvaxem, hiện nay có 3 tỉnh là Tiền Giang, Kiên Giang và Bà Rịa -Vũng Tàu đã triển khai. Các tỉnh còn lại sẽ thực hiện tiêm trong tháng 11/2013.
TP HCM có nhiều điểm tiêm chủng nhất (450 điểm). Các điểm này đều đã được thanh kiểm tra toàn diện và tập huấn cho tất cả cán bộ làm công tác tiêm chủng.
- Viện có khuyến cáo gì cho người dân?
- Văcxin là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm có văcxin dự phòng. Văcxin Quivaxem phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mũ do HIB. Trong bối cảnh giao lưu đi lại nhiều từ khu vực này sang khu vưc khác, từ quốc gia này, sang quốc gia khác, thì các bệnh lây qua đường hô hấp, tiếp xúc như trên rất dễ lây lan. Hơn nữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ mắc viêm gan B cao và đường lây truyền chủ yếu là từ mẹ sang con. Với trẻ em dưới 1 tuổi khi mắc viêm gan dễ dẫn đến mạn tính, xơ gan, ung thư và tử vong, không chỉ ảnh hưởng đến cá thể mà còn là nguồn lây cho người thân, người trong gia đình, xã hội và cả thế hệ sau. Việc tiêm phòng văcxin cho trẻ trong phạm vi cả cộng đồng, cả nước, đồng bộ ở khắp mọi nơi đóng vai trò quan trọng.
Đối với phụ huynh khi đưa con đi tiêm chủng cần lưu ý:
+ Phụ huynh cần giữ sổ và phiếu tiêm chủng đầy đủ để theo dõi lịch tiêm chủng của con mình.
+ Trước khi cho trẻ tiêm phòng, bà mẹ nên chủ động báo cho cán bộ tiêm phòng biết về tình trạng sức khỏe trước đây và hiện nay của trẻ, để nhân viên y tế cân nhắc trước khi tiêm phòng và có thể hoãn lại ngày tiêm nếu cần thiết.
+ Khi đưa trẻ đến tiêm chủng các bậc phụ huynh cần đọc kỹ bản hướng dẫn và áp phích "Quy định an toàn tiêm chủng", "Hướng dẫn các bà mẹ đưa con đi tiêm chủng" được dán tại các điểm tiêm chủng, đối chiếu từng điểm trong áp phích với việc thực hành tiêm chủng của cán bộ y tế để đảm bảo con em mình được tiêm chủng theo đúng quy định.
+ Vì sự an toàn của trẻ, các bà mẹ cần theo dõi trẻ sau tiêm chủng. Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng và đưa ngay đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời khi có biểu hiện bất thường.
Nếu mỗi cán bộ y tế có trách nhiệm với từng mũi tiêm phòng, tất cả bà mẹ đưa con đi tiêm chủng theo đúng quy định làm cho các bệnh truyền nhiễm trên khó có cơ hội tác động lên cá nhân, gia đình và cả cộng đồng.
Đầu tháng 5, Bộ Y tế quyết định tạm dừng sử dụng văcxin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, sau khi có 5 trẻ tử vong sau tiêm, trong đó 4 ca được kết luận không do văcxin. Sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo kết quả kiểm nghiệm các lô văcxin Việt Nam gửi đến kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn theo quy định. Cuối tháng 9, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế thông báo tiêm lại văcxin này. Tính đến nay, đã có 12 tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, đến ngày 26/10, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang quyết định cho huyện Cai Lậy tạm ngưng tiêm Quinvaxem vì có nhiều trẻ nóng sốt, nổi ban khi sử dụng văcxin 5 trong 1 này. |
Lê Phương