Tương tự khái niệm trung hòa carbon, trung hòa nhựa (plastic neutral) là trạng thái phát thải nhựa bằng 0, tức lượng nhựa thải ra môi trường tương đương hoặc ít hơn lượng nhựa thu hồi. Các doanh nghiệp cần đo lường "dấu chân nhựa", giảm lượng sử dụng và trung hòa nhựa bằng cách hợp tác với bên thứ ba để thu gom và tái chế, hoặc mua tín chỉ nhựa (plastic credit) nhằm bù trừ lượng phát thải. Một số tổ chức trên thế giới cấp chứng chỉ trung hòa nhựa gồm rePurpose Global, Plastic Collective and Plastic Bank.
Tại sự kiện mới đây, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Tổng giám đốc Unilever Việt Nam – cho biết doanh nghiệp này đã đạt trung hòa về nhựa tại Việt Nam.
Về cách thức trung hòa nhựa, đại diện Unilever Việt Nam cho biết doanh nghiệp đã giảm lượng nhựa nguyên sinh, tạo bao bì nhựa có trọng lượng nhẹ hơn, đồng thời sử dụng nhựa tái sinh trong sản xuất. Chai Sunlight, một trong 400 thương hiệu của doanh nghiệp, được sản xuất 100% từ nhựa tái sinh.
Bà Vân cho biết từ khâu thiết kế bao bì sản phẩm, doanh nghiệp đã tính toán để tăng khả năng tái chế. Đến nay, 64% bao bì của Unilever Việt Nam có thể tái chế.
Báo cáo thường niên 2023 của Unilever toàn cầu cho biết các công ty con tại Việt Nam và Indonesia đạt được mức thu gom và tái chế rác nhựa nhiều hơn lượng sử dụng.
Báo cáo này không đưa ra cụ thể lượng nhựa đưa vào sản xuất mỗi năm. Cuối năm 2023, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đã công bố báo cáo về lượng nhựa tập đoàn đa quốc gia này đã sử dụng qua các năm, không phân biệt nhựa nguyên sinh hay tái sinh.
Theo Greenpeace, Unilever đã sử dụng 610.000 tấn bao bì nhựa trong năm 2017. Con số này tăng dần lên 700.000 trong 2018 và 2019. Lượng nhựa đưa vào sản xuất trong doanh nghiệp tăng lên 713.000 tấn trong 2021 trước khi giảm về 698.000 tấn vào 2022.
Nhựa là một trong bốn trụ cột phát triển bền vững của Unilever, bên cạnh khí hậu, thiên nhiên và sinh kế. Theo Unilever, trong ba năm 2021, 2022 và 2023, tổng lượng nhựa nguyên sinh sử dụng trong sản xuất bao bì đã giảm lần lượt 8%, 13% và 18% so với mốc 2019.
Công ty hàng tiêu dùng cũng đã thu gom và xử lý 61% lượng bao bì nhựa toàn cầu sau sử dụng của họ, đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 100% vào năm 2025.
Một trong những sáng kiến của Unilever là mô hình kinh doanh refill (nạp lại). Theo đó, tại một số quốc gia ở châu Á và châu Phi, người dân sử dụng hộp, chai cá nhân để mua dung dịch sản phẩm của Unilever từ các cửa tiệm.
Tại Indonesia, Unilever muốn mở rộng mạng lưới các cửa hàng refill lên 800 trong năm 2024 với ba sản phẩm nước rửa chén Rinso, Sunlight và Wipol.
Theo báo cáo độc lập của PwC, tỷ trọng khối lượng nhựa tái sinh doanh nghiệp này đã mua so với tổng lượng bao bì nhựa bán ra từ 1/10/2022 đến 30/9/2023 ở mức 22%. Unilever muốn nâng tỷ lệ này lên 25% trước năm 2025.
Với khái niệm trung hòa nhựa, trước đó Nestlé Việt Nam cũng đưa ra cam kết này với mốc năm 2025. Giải pháp Nestlé đưa ra là giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, tạo cơ chế khuyến khích nhà sản xuất trong nước thu gom và tái chế, đồng thời tham gia vào cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Tỷ lệ bắt buộc tái chế bao bì nhựa tại Việt Nam ở mức thấp. Theo Nghị định 08 năm 2022, nhà sản xuất có doanh thu từ 30 tỷ đồng trở lên phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc. Với các loại bao bì nhựa, tỷ lệ tái chế trong 3 năm đầu tiên yêu cầu đạt 10-22%.
Bảo An