Dưới đây là bài viết của ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam về Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là TPP-11, vừa được ký kết.
CPTPP đúng như tên gọi là một Hiệp định mang tính toàn diện và tiến bộ nhất trong lịch sử với sự tham gia của 11 nước. Đây cũng là hiệp định lớn nhất kể từ khi khối EU được mở rộng trong giai đoạn 2004–2007. Hơn 500 triệu người sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận hàng hóa dịch vụ nhiều hơn và rẻ hơn từ 11 nước có GDP 10.000 tỷ USD.
Về mặt nội dung, CPTPP không chỉ bao gồm cắt giảm hàng rào thuế quan thương mại mà còn xác lập chuẩn mực cao về lao động và môi trường đồng thời cung cấp các quy định chặt chẽ đối với việc hỗ trợ tài chính các doanh nghiệp nhà nước.
CPTPP còn cung cấp các quy chế minh bạch và hiệu quả về quy trình hải quan để hàng hóa và dịch vụ có thể dễ dàng chuyển dịch giữa các quốc gia. Đối với tôi, việc CPTPP được ký kết mang một ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có chiều hướng lan rộng.
CPTPP cũng cho thấy xu hướng thúc đẩy tự do thương mại với vai trò dẫn dắt chuyển sang khu vực châu Á. Với việc Mỹ không có mặt trong CPTPP, lợi ích của Việt Nam có thể ít đi so với TPP trước đó, ví dụ GDP chỉ tăng thêm 1,32% thay vì 6,7%, xuất khẩu tăng thêm 4% thay vì 15% cho đến năm 2030. Nhưng chúng ta phải khẳng định, Việt Nam sẽ có ưu đãi thuế quan khi tiếp cận thị trường của 10 nước đối tác. Đồng thời, lợi thế rất đáng kể ở các thị trường mà chúng ta chưa từng có FTA như Canada, Mexico và Peru.
Với các nước Việt Nam đã có FTA như Nhật, Australia, CPTPP cũng tạo ra cơ hội mới. Các ngành như nông sản, dệt may, da giày và sử dụng nhiều lao động của Việt Nam sẽ vẫn là những ngành được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định.
Các công ty Mỹ tiếp tục thể hiện sự quan tâm rất lớn tới CPTPP, mở ra khả năng Mỹ có thể quay lại. Bên cạnh đó, một số nước và vùng lãnh thổ đang thể hiện mong muốn tham gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, và Philippines, dự kiến nâng lợi ích các bên tham gia lên 3 lần, tương đương 500 tỷ USD một năm. Thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn khi phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà của mình trong lúc tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường 10 nước còn lại.
Theo khảo sát toàn diện về doanh nghiệp trên toàn cầu gần đây của HSBC, 63% doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng CPTPP sẽ mang lại những tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của họ, cao hơn mức trung bình 36% của thế giới. Theo tôi, thái độ tích cực này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động với việc tìm hiểu và tối đa hóa những lợi ích của CPTPP.
CPTPP tạo ra sức ép thúc đẩy cải cách rất lớn về thể chế kinh tế theo những tiêu chuẩn cao. GDP theo đầu người và mặt bằng phát triển của Việt Nam đang ở mức thấp nhất so với 10 nước còn lại trong CPTPP. Điều này sẽ tạo một áp lực rất lớn lên Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Xét từ góc độ những cải cách, Việt Nam phải tiến hành nhiều hơn so với các nước khác, về luật pháp, đào tạo công nhân và doanh nghiệp để chuẩn bị cho thực thi hiệp định. Việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước cần phải được tiến hành nhanh mạnh hơn để có thể đáp ứng yêu cầu đồng thời thích ứng được với những yêu cầu của Hiệp định. Nhìn dưới góc độ tích cực, chúng ta sẽ thấy CPTPP sẽ chính là lộ trình Việt Nam cần theo đuổi để cải cách nền kinh tế theo cơ chế thị trường.
Khi trao đổi với các doanh nghiệp Việt về TPP hoặc CPTPP gần đây, tôi đã thấy các doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều so với các hiệp định thương mại trước đây. Các doanh nghiệp đã thực sự thấy áp lực cạnh tranh rất lớn ngay trên sân nhà khi đối thủ ngoại đưa hàng hóa vào thị trường Việt Nam hoặc xây dựng nhà máy tại Việt Nam và xuất hàng sang các nước khác dựa vào các hiệp định thương mại đã ký kết. Các doanh nghiệp Việt đã chủ động hơn trong việc tìm hiểu về tác động của các hiệp định thương mại đang được đàm phán.
Tuy nhiên, họ vẫn đang rất chật vật để tìm được phương thức tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các trở ngại thường thấy của các doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu thường bao gồm thiếu vốn để đầu tư vào công nghệ, chưa có nhiều uy tín với các doanh nghiệp ngoại, khả năng duy trì chất lượng cao và ổn định chưa tốt, chưa chú ý đến các yếu tố khác như an toàn lao động, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng và hối lộ v.v.. Đây đều là những yếu tố thường được coi rất quan trọng bên cạnh chất lượng sản phẩm.
Các doanh nghiệp Việt cần hợp tác với nhau có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, kinh doanh một cách bài bản chuyên nghiệp bao gồm cả về chất lượng, tuân thủ pháp luật, đạo đức trong kinh doanh v.v. Chỉ có vậy, chúng ta mới có hy vọng tận dụng tốt được CPTPP và các hiệp định thương mại đã được ký kết.
Sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua cung cấp thông tin của các Bộ ngành, Hiệp hội, tư vấn doanh nghiệp, đào tạo, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính cũng cần thiết, để doanh nghiệp tăng cường tính cạnh tranh. Việc mạnh dạn cải cách các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định pháp luật hết sức cần thiết giúp cởi trói các doanh nghiệp và cho phép các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp ngoại.
CPTPP thể hiện tinh thần kết nối và cầu tiến của Chính phủ hết sức mạnh mẽ. CPTPP chính là con đường phát triển Việt Nam sẽ trải qua. Chúng ta có thể đi nhanh hay chậm, đến đích với nội lực dồi dào hay kiệt quệ tùy thuộc vào từng hành động quyết liệt của các doanh nghiệp và của Chính Phủ ngay từ bây giờ. Tôi hy vọng, chúng ta sẽ tận dụng tốt được cơ hội này để biến Việt Nam thành con hổ mới của châu Á.
Phạm Hồng Hải