Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, sức gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới là 60 km/h, cấp 6-7. Áp thấp nhiệt đới sẽ theo hướng tây, tốc độ 5-10 km/h, đến 16h chiều mai ở phía nam tỉnh Quảng Tây, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 140 km, sức gió mạnh nhất 50 km/h, cấp 6.
Trong đêm mai, áp thấp nhiệt đới đổi sang hướng nam tây nam với tốc độ 10 km/h, sau đó quặt xuống hướng đông nam và suy yếu thành vùng áp thấp. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2-3,5 m.
Các đài Nhật Bản, Hong Kong, TSR đều nhận định do tương tác với cơn bão Infa (sức gió tối đa 177 km/h và đang hướng vào Trung Quốc), áp thấp nhiệt đới sẽ đổi hướng, xuống vịnh Bắc Bộ vào đêm 22/7.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia) nhận định áp thấp nhiệt đới xuống biển, nhưng khó mạnh trở lại và không ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Tuy nhiên, dải hội tụ nhiệt đới nối với áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa lớn cho Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An. Từ đêm nay đến ngày 24/7, Bắc Bộ mưa với lượng phổ biến mỗi đợt 50-150 mm. Riêng Đông Bắc và các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ mưa to với lượng mỗi đợt 100-250 mm, có nơi trên 250 mm.
Từ đêm 22/7 đến ngày 25/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa với tổng lượng 50-150 mm, riêng Thanh Hóa, Nghệ An có nơi trên 200 mm.
Cempaka là cơn bão thứ ba ở Biển Đông từ đầu năm đến nay. Cơ quan khí tượng dự báo năm 2021, số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (12-14 cơn), trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.