Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, 10h hôm nay, bão cách Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 180 km về phía tây nam, sức gió mạnh nhất 75 km/h, cấp 8 giật cấp 10.
Trong hôm nay, bão đi chậm hướng tây bắc, đến 10 ngày 20/7, vị trí tâm bão cách Hong Kong khoảng 190 km về phía tây tây nam, sức gió mạnh nhất 75 km/h, cấp 8, giật tăng hai cấp.
Những giờ tiếp theo, bão theo hướng tây tây bắc với tốc độ 5 km/h. Đến 10h ngày 21/7, tâm bão trên vùng ven biển tây nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sức gió mạnh nhất 90 km/h, cấp 8-9, giật cấp 11.
Dự kiến đường đi của bão Cempaka. Ảnh: NCHMF
Sau đó, bão có khả năng đổi hướng tây tây nam với tốc độ 5 km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10h ngày 22/7, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền phía tây nam tỉnh Quảng Đông, sức gió mạnh nhất 60 km/h, cấp 7, giật cấp 9.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, nhận định "khả năng cao là sau khi đến bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), bão đổi theo hướng nam, sau đó tiếp tục đổi hướng ra ngoài, không đi vào đất liền Việt Nam".
Đài Khí tượng Nhật Bản hiện cho biết sức gió mạnh nhất của bão đang là 65 km/h, trong hai ngày tới bão sẽ đi theo ven biển tỉnh Quảng Đông và chưa đưa ra dự báo thêm. Đài Hong Kong cho biết bão mạnh 85 km/h, sau khi đến đảo Lôi Châu sẽ vòng ngược xuống đảo Hải Nam và đi ra ngoài.
Vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào, giông.
Trước đó tối 18/7, áp thấp nhiệt đới hình thành từ vùng áp thấp ở khu vực vùng biển bắc biển Đông.
Cơ quan khí tượng dự báo năm 2021, số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (12-14 cơn), trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Nửa đầu mùa (tháng 6-9), xoáy thuận nhiệt đới sẽ tập trung ở miền Bắc và giữa Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; nửa cuối mùa (tháng 9-11) sẽ tập trung ở giữa và nam Biển Đông, ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ trở vào phía Nam.