Một người bạn của tôi khi mới đây lên tiếng cảnh báo về chất lượng và nguồn gốc của một sản phẩm mỹ phẩm được gọi là cao cấp, liền bị những người bán mặt hàng này tấn công kịch liệt, với đủ cách thức. Từ việc sử dụng lời lẽ khó nghe để công kích mang tính cá nhân, "tấn công" tập thể trên mạng xã hội đến việc hack, đánh sập tài khoản.
Điều đáng nói là không lâu sau đó, cơ quan công an công bố sản phẩm trên không có nguồn gốc rõ ràng, giá gốc nhập về chỉ vài chục nghìn đồng/ sản phẩm nhưng giá bán lẻ qua đội ngũ bán hàng trên mạng xã hội lên tới vài trăm nghìn đồng. Nghĩa là giá bán không hề tương xứng với chất lượng sản phẩm như người bán quảng cáo.
Khách hàng thất vọng, nhiều người truy vấn việc mình bị lừa gạt, yêu cầu những người bán một lời giải thích. Đáp lại hầu hết là những lời biện hộ quanh co, trấn an khách hàng cho qua chuyện. Với những người thẳng thắn nói lên sự thật, đội ngũ bán hàng thậm chí không ngại tấn công, thách thức.
Tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều về vấn đề này, khi xung quanh mình, trên mạng xã hội, số lượng bạn trẻ kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc đông dược... ngày một nhiều. Nhất là trong đội ngũ bán hàng online đông đảo ấy, có rất nhiều người quen, bạn bè học chung trường lớp đại học.
Họ hầu hết là nữ, là những cử nhân sau khi ra trường thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp, có thời gian nhàn rỗi. Có người lấy đây là công việc chính, có người làm để kiếm thêm thu nhập khi mức lương nhà nước không đủ để trang trải cuộc sống, có lẽ cũng là bất đắc dĩ.
Nhìn bạn bè là cử nhân sư phạm, tổng hợp, rủ nhau buôn bán kiếm tiền, thoạt đầu không khỏi ái ngại, bởi công việc chẳng chút liên quan đến chuyên ngành và kỳ vọng của 4 năm đại học. Nhưng qua thời gian nhiều người đã gặt hái thành công, chí ít có thể nuôi sống được bản thân và phần nào phụ giúp gia đình.
>> Sinh viên lao vào xe ôm công nghệ vì bị giáo dục theo lối thụ động
Kinh doanh online là xu hướng phát triển hiện nay, khi các chi phí bán hàng được giảm thiểu tối đa, người bán và người mua không cần gặp mặt, chỉ cần cú click chuột là hàng hóa được mang tới tận nơi. Nhưng vấn đề chính mà tôi muốn đề cập, bên cạnh những tích cực không thể phủ nhận, là cách bán hàng không trung thực, bất chấp lợi nhuận của nhiều người.
Đó có thể là quảng cáo mặt hàng không đúng sự thật về chất lượng, công dụng; sử dụng chiêu bài đánh vào tâm lý khách hàng mặc dù đó chẳng khác gì một cái bẫy tai hại và "vết thương" thì rất khó lành; hay nâng giá bán các mặt hàng một cách phi lý trong khi chất lượng không hề tương xứng; bán hàng kiểu cố tình đưa người mua vào thế đã rồi...
Những cách thức trên có thể gọi là bán hàng không trung thực, không coi trọng đạo đức. Tất nhiên cũng có thể là do khách quan, khi người bán thiếu kiến thức về hàng hóa sản phẩm mình bán, nhưng phần nhiều trường hợp tôi biết, các bạn đều hiểu rõ mình đang bán thứ gì? Ở đây, cách bán hàng là có chủ ý, có chiêu thức, thậm chí được nhiều chuyên gia đào tạo, tổ chức có hệ thống bài bản.
Điều đáng buồn là những hành vi lừa dối người tiêu dùng này có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, với mọi mặt hàng. Không chỉ bán cho người lạ, người quen, nhiều người thậm chí nhắm đến những người thân thiết, nơi lợi thế niềm tin là thứ sẵn có. Đáng buồn hơn nữa, vì lợi ích bản thân, nhiều bạn trẻ bất chấp sự thật, lý lẽ đúng sai để bảo vệ sản phẩm và cách thức bán hàng này.
>> Học thế nào để sinh viên không còn muốn bỏ đại học?
Chỉ thời gian ngắn sau đó, mọi chuyện lại đâu vào đó, cách kinh doanh trên vẫn tiếp tục duy trì, nhiều người trở thành nạn nhân kế tiếp. Đáng lo hơn, những trường hợp như trên ngày một nhiều, và những trường hợp bị phát hiện chắc chắn chỉ là phần nổi của tảng băng.
Trong khi hàng ngàn, hàng vạn khách hàng trở thành nạn nhân vì kiểu kinh doanh không trung thực, cơ quan chức năng nhiều lúc tỏ ra lúng túng, nếu không muốn nói là bất lực. Họ khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác trước nạn hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng quảng cáo không đúng thành phần, công dụng.
Người mua hàng lên án người bán, cơ quan chức năng thì cảnh báo người tiêu dùng, trong khi vấn đề sâu xa hơn nằm ở nhà sản xuất, các đơn vị làm nên sản phẩm và đưa nó ra thị trường. Tại sao ngày một nhiều những sản phẩm ra đời không phải để phục vụ mà mục đích chính yếu là trục lợi trên niềm tin, sức khỏe con người. Mặc cho cùng lúc có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này.
>> Không có tỷ phú nào muốn con bỏ học làm giàu
Trong cái vòng lẩn quẩn ấy, tôi thầm nghĩ đến hàng trăm bạn bè trên không gian mạng, những người đang vô tình hoặc cố ý kinh doanh một cách không trung thực. Không biết họ có bao giờ họ nghĩ kiểu bán hàng bất chấp ấy một ngày nào đó khiến chính họ trở thành nạn nhân của những chiêu trò mình đã sử dụng.
Nhiều người khi được hỏi đã cho biết, họ ý thức được những món hàng mình bán, thậm chí cảnh giác với nó, nghĩa là chỉ bán chứ không sử dụng. Và lập luận của những người này chung quy lại là vì miếng cơm manh áo, mình không làm người khác cũng làm, làm nhiều.
Thực tế là họ nói đúng, mình không làm, người khác cũng làm, nhưng rõ ràng họ ý thức được rằng, ở góc độ cá nhân, nếu mỗi người nói không với cách bán hàng gian dối, vấn nạn trên đã không trở thành hiện tượng phổ biến đến mức nhức nhối như hiện nay.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.