Xung quanh câu hỏi "sống vì tiền hay sống cho đam mê?", độc giả Ngọc Hải nhận định:
Có sự giằng xé lớn khi một cá nhân phải lựa chọn sống vì tiền hay sống cho đam mê. Tiêu chí về một người thành công, thành đạt với phần đa con người thời nay là gì? Chẳng phải đó là khi anh có tiền, sở hữu siêu xe, càng nhiều bất động sản, đồ hiệu... càng tốt?
Điều quan ngại nhất không chỉ ở việc họ xem tiền như mục đích sống cao nhất, mà ở tư duy bất chấp tất cả để có tiền. Với sự nhìn nhận đó dù đam mê của bạn cháy bỏng đến đâu mà "nhu cầu" của xã hội về khía cạnh đó không cao, thì để bạn tồn tại được đã là cả một trăn trở lớn.
Một quy luật ai cũng thấy đó là trước khi muốn khẳng định mình hay phát triển, bạn cần tồn tại trước. Không ít người đã bị "mắc kẹt" giữa một bên làm sao có tiền để tồn tại, để sống và bên kia là cháy với đam mê của bản thân. Có người nói bạn cứ lựa chọn đam mê, có đam mê rồi thành công (và tiền bạc) sẽ theo đuổi bạn; nhưng cuộc sống không phải khi nào cũng dễ dàng như vậy.
Xét đến cùng, tiền cũng chỉ là vật ngoại thân; có tiền là một hứa hẹn chứ chưa hẳn đã đảm bảo cho hạnh phúc. Huống hồ những tiêu chí như: "Thế nào là thành công? Hạnh phúc là gì? Ý nghĩa cuộc sống ở đâu?" lại rất khác nhau, phụ thuộc lựa chọn và thái độ sống của mỗi cá nhân. Điều đó phụ thuộc vào nền tảng tu dưỡng ở mỗi người để tự hồi đáp cho câu hỏi "ta là ai?" và làm sao để "tri túc" (biết đủ) - những nhân tố luôn gắn liền, mật thiết với hạnh phúc mà con người vẫn hằng kiếm tìm và theo đuổi.
Cùng chung quan điểm trên, độc giả Tô Thức chia sẻ:
Tôi vẫn nói với sinh viên của mình rằng, theo đuổi đam mê không sai, nhưng mọi thứ chỉ có giá trị nếu như nó tạo ra giá trị. Viết một câu chuyện hay nhưng không ai đọc, hoặc đọc nhưng không rút ra được điều gì cho họ thì thuần túy là lãng phí thời gian.
Sống đơn giản, chăm sóc sức khỏe cho bản thân hoàn toàn đúng. Nhưng nếu không tự chủ được về tài chính khi ốm đau, tai nạn xe cộ... bạn thậm chí còn gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Giống như bạn tập thể dục cũng không có ý nghĩa nhiều khi phải chọn thực phẩm rẻ tiền nhưng độc hại.
Bản chất người Việt cũng không muốn đè ép con cái về điểm số, nhưng áp lực của một xã hội trọng bằng cấp, không trọng giá trị khiến họ phải đi theo. Lễ nghĩa ai cũng muốn, nhưng không có thực không vực được đạo.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.