Trả lời:
Trúc đào còn gọi là đào lê, giáp trúc đào, laurier rose. Tên khoa học Nerium oleander L. (Nerium laurifolium Lamk). Độc tính của lá trúc đào đã được biết từ lâu. Lính vùng đảo Corse (thuộc miền Nam nước Pháp) đã bị ngộ độc và tử vong do ăn thịt xiên vào cành cây trúc đào để nướng. Có những người bị ngộ độc nặng do uống nước đựng trong chai nút bằng cây trúc đào, hay do uống nước suối có cây trúc đào mọc ở gần.
Tại Á Đông, trúc đào được ghi trong cuốn Y học nhập môn của Lý Duyên như sau: Chữa những người tự nhiên mặt đỏ bừng (bạo xích), có nước tích tụ trong ngũ tạng làm bụng to, lợi tiểu tiện.
Trong y học, trúc đào được dùng lần đầu tiên vào khoảng năm 1866 sau khi được nhà dược lý học người Nga E. B. Pelikan nghiên cứu, nhưng sau đó nó bị lãng quên. Đến năm 1936, Viện Cây thuốc và tinh dầu ở Liên Xô cũ đã nghiên cứu lại; và hoạt chất của trúc đào là neriolin được ghi làm vị thuốc chính thức trong Dược điển Liên Xô in lần thứ 9 (1961). Theo đó, neriolin có tác dụng rất mạnh, có thể thay được digitalin và strophantin để chữa các bệnh về tim. Ở Việt Nam, một số nghiên cứu cũng đã khẳng định tác dụng chữa bệnh tim của neriolin.
Hiện nay người ta chỉ dùng lá cây trúc đào để làm nguyên liệu chế neriolin làm thuốc chữa tim, dùng dưới hình thức dung dịch rượu và thuốc viên. Nó được xếp vào bảng thuốc độc.
GS Đỗ Tất Lợi, Sức Khỏe & Đời Sống