Trả lời:
Cây hoa sữa mọc hoang và được trồng dọc 2 bên đường phố để lấy bóng mát. Hoa (nở mùa thu) có mùi thơm hắc. Vỏ hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa xuân, hạ. Hái về phơi hoặc sấy khô để dành. Năm 1906, Bacon đã nghiên cứu tác dụng dược lý của những alkaloid chiết từ vỏ cây sữa và kết luận rằng tác dụng gần giống như chất quinin.
Vỏ cây sữa được nhân dân một số nước Đông Nam Á sử dụng làm thuốc. Thường vỏ cây sữa được dùng làm thuốc bổ, chữa sốt, điều kinh và chữa lỵ hoặc tiêu chảy. Ngày uống 1-3 g bột vỏ phơi khô hoặc sắc uống hay chế biến thành cao lỏng.
Có thể ngâm rượu uống: Vỏ cây sữa tán nhỏ 75 g, rượu uống (35-40độ) 500 ml, đậy kỹ, ngâm trong 7 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Sau đó lọc và thêm rượu vào cho đủ 500 ml. Ngày uống 4-8 g rượu này. Uống 15 phút trước 2 bữa ăn chính.
Cao lỏng vỏ cây sữa: Chế bằng cồn 600 theo phương pháp chế cao lỏng. Hoặc có thể ngâm bột vỏ sữa với cồn 60 độ trong 7 ngày. Thỉnh thoảng lắc, lọc và thêm cồn cho bằng trọng lượng của vỏ. Ví dụ ngâm 1 kg vỏ thì sẽ được 1 lít cao lỏng. Cao lỏng này dùng với liều 0,5-1,5 g mỗi ngày. Nhiều nhất chỉ uống 2 g/lần và 6 g trong 1 ngày.
GS Đỗ Tất Lợi, Sức Khỏe & Đời Sống