Trả lời:
Dạ cẩm còn gọi là cây loét mồm, tên khoa học Oldenlandia eapitellata Kuntze, thuộc họ cà phê Rubiaceae. Nhân dân vùng Lạng Sơn, Cao Bằng dùng nó chữa loét mồm, loét lưỡi.
Đó là một loại cây bụi-trườn, thường cuốn vào cây khác, dài tới 1-2 m. Thân hình trụ, tại đốt phình to ra. Lá đơn, mọc đối, hình bầu dục, đầu nhọn, dài 5-15 cm, rộng 3-6 cm, cuống ngắn. Cụm hoa hình xim phân đôi, tụ lại thành hình cầu ở đầu cành hay kẽ lá, gồm nhiều hoa hình ống nhỏ, màu trắng. Quả rất nhỏ, xếp thành hình cầu.
Bệnh viện Lạng Sơn đã đưa cây dạ cẩm vào điều trị đau dạ dày từ năm 1962, xuất phát từ kinh nghiệm nhân dân dùng cây nấu sôi để điều trị viêm lưỡi, loét lưỡi và họng. Trẻ em dùng nước vắt của lá uống hoặc ngậm, kết quả chống loét rất tốt. Trên lâm sàng, dạ cẩm có tác dụng giảm đau, trung hòa acid trong dạ dày, bớt ợ chua, vết loét se lại, bệnh nhân có cảm giác khoan khoái, nhẹ nhàng. Có thể dùng dạ cẩm dưới dạng thuốc sắc, thuốc cao, bột hay cốm.
Dạng thuốc sắc: Ngày uống 10-25 g lá và ngọn khô, thêm nước vào sắc, thêm đường cho đủ ngọt, chia 2 hay 3 lần uống trong ngày. Uống trước khi ăn vào lúc đau.
Cao dạ cẩm chế theo kinh nghiệm Ty y tế Lạng Sơn: Lá dạ cẩm khô 7 kg, đường kính 2 kg, mật ong 1 kg. Nấu lá dạ cẩm với nước thành cao, cho vào 2 kg đường đánh tan, cô lại, cuối cùng thêm 1 kg mật ong tốt. Ngày uống 2-3 lần trước khi ăn hoặc khi đau, mỗi lần uống 1 thìa to (tương đương 10-15 g).
Cốm dạ cẩm: Bột dạ cẩm 7 kg, cam thảo 1 kg, đường kính 2 kg, tá dược vừa đủ dính (hồ, nếp), thêm đường và sacarin vừa đủ ngọt. Lúc đầu Ty y tế Lạng Sơn còn pha 4 phần bột dạ cẩm, 1 phần bột bồ kết nhưng sau bỏ bồ kết. Ngày uống 2 lần trước khi ăn hoặc đang đau; mỗi lần dùng 10-15 g, trẻ em dưới 18 tuổi dùng 5-10 g.
GS Đỗ Tất Lợi, Sức Khỏe & Đời Sống