Xung quanh vụ việc "Cầu thủ Đồng Tháp dàn xếp tỷ số" vừa bị phát hiện, nhiều độc giả VnExpress cho rằng, mức xử phạt năm triệu đồng, cấm thi đấu năm năm cho hành vi đặt độ 150 triệu đồng của cầu thủ Huỳnh Văn Tiến là quá nhẹ.
Bạn đọc Ha Nguyen chia sẻ: "Đã gọi là thương tình, cho cơ hội sửa sai, nhưng hình phạt phải đích đáng, phạt gì mà có vài triệu đồng thì chẳng răn đe được gì. Người đứng ra làm độ thì thiết nghĩ anh ta không thể là cầu thủ tốt được, vậy thì giữ làm gì nữa, cấm thi đấu trong đội tuyển tỉnh luôn".
Đồng tình với quan điểm trên, độc giả Lữ Khách Lỡ Đường nhận định: "Phạt năm ba triệu thì có giải quyết được vấn đề gì? Tiêu cực là phải xử lý tới nơi, tới chốn, răn đe cho các thế hệ sau. Bóng đá Việt Nam đang rất khó khăn mới lấy lại được hình ảnh và chiếm được niềm tin nơi người hâm mộ".
Cũng cho rằng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn cho hành vi cá độ của cầu thủ Việt, bạn đọc Trang Nguyen nhấn mạnh: "Hãy triệt để loại trừ các mầm mống này ra khỏi đời sống bóng đá. Theo luật, đủ tuổi là phải áp dụng nghiêm thì mới răn đe được. Chứ cứ lấy lý do "lần đầu", "nhỏ tuổi" hay "bị xúi dục" ra để bao biện và nhân nhượng thì thế thao Việt Nam có hàng chục năm nữa vẫn mãi ở vũng bùn".
"Phạt thế này quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cái đức phải được làm trọng. Bóng đá Việt Nam đang được làm sạch, bỗng dưng lại có lứa cầu thủ đạo đức thấp, tạo tiền lệ xấu. Cần phải phạt thật nặng", độc giả Phạm Đức Căn nói thêm.
Trước đó, cầu thủ Đồng Tháp - Huỳnh Văn Tiến đặt độ trên mạng, rồi vào trận đấu với Vĩnh Long mới dụ dỗ các đồng đội đá chậm để hạn chế số bàn thắng. Sau khi đặt cược, Văn Tiến mới nói với các đồng đội, dụ họ đá chậm để hạn chế số bàn thắng. Trận đấu kết thúc với tủ số 1-1 nên nhóm này ăn "kèo xỉu", thu về 133 triệu đồng.
>> 'U19 không còn bé để đá bóng hồn nhiên'
Cho rằng cần có thái độ cứng rắn, thậm chí cấm thi đấu vĩnh viễn với những cá nhân có hành vi tiêu cực, bạn đọc Huy Hoàng khẳng định: "Cần cấm thi đấu luôn. Hành vi lừa dối này khác nào biến người hâm mộ thành con rối? Hãy nhìn sự nỗ lực của lứa vừa rồi mà học tập, họ đã làm hết sức mình vì người hâm mộ và đương nhiên họ được đến đáp xứng đáng: mua được nhà lầu, xe hơi, được người hâm mộ kính trọng và ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần rất nhiều nhưng chẳng ai nói vì họ đã làm cả dân tộc tự hào. Cứ hết mình vì bóng đá người hâm mộ k để các cầu thủ thiệt đâu. Từ vụ Văn Quyến, tôi đã không xem bóng đá cho đến khi lứa vừa rồi lấy lại tất cả những cảm xúc và niềm tin cho người hâm mộ".
Dàn xếp tỷ số là vấn nạn của bóng đá thế giới nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng. Chúng ta thậm chí từng mất cả một lứa tài năng lớn, như Phạm Văn Quyến, Lê Quốc Vượng, Huỳnh Quốc Anh... vì dàn xếp tỷ số tại SEA Games 2005. Chín năm sau, một loạt tuyển thủ đang khoác áo CLB Ninh Bình như Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng, Lê Quang Hùng... cũng bị cấm thi đấu vĩnh viễn khi cá độ tại AFC Cup. Gần nhất, năm 2014, chín cầu thủ Ninh Bình cũng phải ra trước vành móng ngựa vì làm độ ở AFC Cup.
Trong khi đó, nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, độc giả Jamen_vns lại cho rằng, việc phạt tiền, cấm thi đấu, thậm chí phạt tù với cầu thủ bán độ không phải biện pháp tốt nhất: "Về lý, chúng ta chẳng bao giờ chấp nhận được chuyện phi pháp. Về tình, tôi nghĩ mọi người cũng nên nhìn nhận về bài toán kinh tế của cầu thủ... Cuộc đời cầu thủ rất ngắn, hàng năm chắc phải vài nghìn cầu thủ ra lò, nhưng được đá chuyên nghiệp chẳng bao nhiêu. Rồi một khi đã bước chân vào nghiệp bóng đá, cầu thủ chẳng thể dừng hay rẽ nhánh. Suy cho cùng, câu chuyện xây dựng tương lai cuộc sống cho lứa trẻ mới là bài toán chúng ta chưa thể giải đáp. Cho đến khi V-League trở thành nền công nghiệp bóng đá, lúc đó chúng ta mới có thể giải được triệt để. Còn phạt tiền hay phạt tù các cầu thủ bán độ không phải là cách giải quyết tốt nhất".
Đông Nam Á được coi là một trong những khu vực hay xảy ra nạn dàn xếp tỷ số trong bóng đá. Trong vài năm gần đây, hàng loạt tuyển thủ của Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia... từng bị treo giò vĩnh viễn vì dính tới nạn tiêu cực này. Có lẽ, muốn thoát ra khỏi vùng trũng của bóng đá khu vực, Việt Nam cần cả những biện pháp xử lý mạnh tay hành vi tiêu cực lẫn những thay đổi toàn diện trong hệ thống quản lý cầu thủ và các hoạt động thể thao.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.