Sáng 29/11, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, cho biết, cơ quan này đang trình với Bộ Giao thông Vận tải phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng công nghệ Bridge Deck Membrane (BDM) của Mỹ.
Theo công nghệ BDM, nhà thầu sẽ thi công một lớp phủ phòng nước có tính năng dính bám tốt bản mặt cầu thép và lớp bê tông nhựa phía trên. Lớp phủ này có khả năng hàn gắn, che phủ các vết nứt và chống thấm tốt, có thể bảo vệ kết cấu khỏi bị rỉ sét, ăn mòn và có khả năng kháng các hóa chất như xăng, dầu, axit...
Phương án này còn có lợi thế là thi công trên các bề mặt không đồng nhất, trong điều kiện khắc nghiệt từ -4 độ đến hơn 200 độ C. Nếu lớp bê tông nhựa bề mặt cầu hư hỏng thì có thể thảm lớp bê tông nhựa trên lớp BDM nhiều lần.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay, cơ quan này đang đấu thầu tư vấn để nghiên cứu đề xuất nêu trên và một số phương án khác để có giải pháp tối ưu nhất.
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt phương án, Tổng cục Đường bộ sẽ tiến hành lập dự án, đấu thầu rộng rãi nhà thầu rồi thi công sửa chữa cầu Thăng Long trong năm 2020. Dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án sửa chữa cầu Thăng Long từ 180 đến 200 tỷ đồng.
Sau hơn 20 năm sử dụng, cầu Thăng Long bị hư hỏng bề mặt, lớp dính bám giữa bê tông nhựa và lớp chống thấm trên bản mặt thép bị suy giảm, gây trượt, tạo các vết nứt ngang, nứt xiên, dồn cục bê tông nhựa trên mặt cầu. Mặc dù đã được sửa chữa lớn 2 lần và duy tu thường xuyên, song tình trạng xuống cấp đối với cầu này vẫn xảy ra.
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, công trình ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, nối liền các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội. Cầu được các chuyên gia Nga thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985.