Ba năm trước, những sinh viên khoa Ngoại ngữ, Đại học Công nghiệp TP HCM thường thấy cậu bạn Bùi Hữu Nghĩa xuất hiện trên mạng xã hội với những bài đăng bán hàng. Ai cũng tưởng cậu đang tập buôn bán. Khi lên năm hai, họ không thấy người bạn đi học nữa.
"Người xung quanh có thể chỉ biết mình nghỉ vì lý do gia đình, thực tế mình quyết định gap year một năm để kinh doanh", Nghĩa, 22 tuổi, chia sẻ.
Ý tưởng gap year đến khi Nghĩa bắt đầu bán quần áo trên các sàn thương mại điện tử được ba tháng. Số đơn tăng đều, tháng đầu 30 đơn, tháng thứ hai 50 đơn. Cậu sinh viên cảm nhận công việc này có tiềm năng phát triển nhưng cũng tự thấy không thể vừa học vừa làm như thế này.
"Con đường cũ có bạn bè, nhiều người ủng hộ. Còn con đường mới phải tự mình khai phá, đơn độc, không được ủng hộ và cũng không biết có đúng không", Nghĩa nhớ lại. Cuối cùng cậu quyết định xin bảo lưu một năm học để nhảy sang kinh doanh với suy nghĩ "phải đi mới biết mình đến được đâu".
Những ngày đầu Nghĩa bị gia đình phản đối. Cả nhà không có ai làm kinh doanh, cậu phải tự mày mò mọi thứ, từ cách mở gian hàng, đăng bán sản phẩm, giá cả, gói hàng, shipper... Ngay việc tưởng chừng đơn giản như gói hàng, cậu cũng loay hoay 30 phút mới được một đơn. "Nhiều khi ngồi gói hàng cả buổi chiều, mỏi rời cổ, ra bưu gần nhà gửi thì bị lỡ chuyến, lại phải chạy xe nửa tiếng đến bưu cục khác. Mệt nhưng mình không nản khi nhận thấy khách ngày một tăng", chàng trai chia sẻ.
Vốn khởi nghiệp chỉ có 11 triệu đồng, Nghĩa biết muốn có lãi phải có nguồn hàng ổn định và giá rẻ từ xưởng gia công. Những ngày hè 2019, chàng trai chạy chiếc xe cub 50 của bố khắp các chợ đầu mối, hơn 20 xưởng sản xuất. Nhưng ở đâu Nghĩa cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Nơi có sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phù hợp thì yêu cầu đặt hàng số lượng lớn. Nơi chấp nhận số lượng nhỏ, giá rất cao hoặc chất lượng kém. Mọi thứ bế tắc. "Một số người khuyên mình nhập hàng Trung Quốc. Mình xua ngay ý định đó vì nước mình có thế mạnh dệt may sao không tự làm", Nghĩa nói.
Sau hai tháng lăn lộn, may mắn cũng đến. Nghĩa gặp được một chủ xưởng may ở quận Tân Bình, là cựu sinh viên cùng trường, đồng ý nhận các đơn hàng nhỏ với giá như kỳ vọng.
Nhớ lại thời điểm Nghĩa đến tìm, Nguyễn Tuấn Quận cho biết anh giúp Nghĩa vì nhìn thấy sự chịu thương, chịu khó của đàn em. "Ban đầu mua được 3 chiếc, 5 chiếc, bạn ấy vẫn chạy xe hàng ngày xuống chỗ tôi lấy. Chỉ vài tháng sau, bạn lấy lên 100 chiếc, có đợt bán được lấy trên 1.000 chiếc", anh Quận, 32 tuổi, kể.
Nghĩa bắt tay vào xây dựng thương hiệu thời trang của riêng mình, nhắm đến phân khúc bình dân. Shop có mặt trên cả 4 sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam. Khi đầu vào và đầu ra ổn, cũng là lúc chàng trai phải làm việc lên đến 16 tiếng mỗi ngày. Sau này cậu thuê thêm nhân viên, có thời điểm cần 7 nhân viên giúp đóng gói và vận chuyển hàng. Cuối năm 2019, khi tổng kết doanh thu, Nghĩa rất bất ngờ khi biết mình lọt top 200 nhà bán hàng có doanh thu trên 250 triệu đồng mỗi tháng.
Không ít người bất ngờ khi biết ông chủ trẻ này còn là một sinh viên. Anh Bùi Đức Thiện, chủ một xưởng sản xuất, bán và xuất khẩu giày, kể: "Một lần tôi trở lại Đại học Công nghiệp giao lưu mới biết Nghĩa cũng học trường này. Cùng kinh doanh ngành thời trang nên nhiều lần hai người trò chuyện và chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Tôi cứ ngỡ cậu ấy trạc tuổi mình và kinh doanh lâu năm rồi".
Các bạn trong lớp đại học của Nghĩa cũng được một phen bất ngờ khi đọc được bài báo về cậu sinh viên với thu nhập khủng. "Sau một năm mất tích, cậu ấy xuất hiện và gây bất ngờ cho tất cả. Khi nhìn lại, em thấy đây đúng là con người của Nghĩa, vì làm hay học cậu ấy đều nghiêm túc và xông xáo nổi bật trong đám đông", Hiếu Hạnh, sinh viên năm 4 khoa Ngoại ngữ, chia sẻ.
Sau một năm gap year, Bùi Hữu Nghĩa quay lại trường và quyết định chuyển từ ngành Ngoại ngữ sang Quản trị kinh doanh. Nhìn lại một năm đó, nam sinh Sài Gòn thấy mình đã quyết định đúng đắn. "Mình tâm đắc câu nói của Jack Ma: 'Đừng cố làm người giỏi nhất, mà hãy là người đi đầu'. Bây giờ không phải là thời cá lớn nuốt cá bé nữa, mà là cá nhanh nuốt cá chậm. Gap year khiến mình bị chậm hai năm học so với tuổi, mình vẫn rất vui vì những trải nghiệm ở tuổi trẻ", Nghĩa nói.
Hai năm Covid-19 khiến doanh số giảm 40%, nhưng không khiến ông chủ trẻ lo lắng nhiều. Nghĩa đang tranh thủ thời gian học thêm nhiều kiến thức mới trong lĩnh vực quản trị kinh doanh.
"Thời gian không đợi một ai. Mình không tiếc nuối hay lo lắng mà đang học hỏi. Đây giống như thời gian ngủ đông, một khi dịch đi qua, mình sẽ bung ra và đưa thương hiệu Việt của mình vươn tầm quốc tế", giọng Nghĩa đầy kiên định.
Phan Dương